- Chủ tịch QH cho rằng "trưng cầu ý dân thì phải đúng là ý dân - người dân được độc lập, tự chủ, thể hiện chính kiến bằng lá phiếu", do đó công tác tổ chức phải đảm bảo lá phiếu không bị tác động.
>> Trưng cầu ý dân dự án luật quan trọng
>> Khó có luật Trưng cầu ý dân
>> Chuẩn bị luật Biểu tình, Trưng cầu ý dân
Dự thảo luật Trưng cầu ý dân được đưa ra UB Thường vụ QH lấy ý kiến lần đầu tiên hôm nay, với yêu cầu có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Hội Luật gia VN được giao chủ trì xây dựng luật này, dự kiến trình QH tại kỳ họp tháng 5 tới và biểu quyết tại kỳ họp cuối năm nay.
Tờ trình của cơ quan soạn thảo nêu rõ: Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, do chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân dù đã được hiến định.
Trên thế giới, trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại, rất nhiều nước đã ban hành luật Trưng cầu ý dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại UB Thường vụ QH. Ảnh: TTXVN |
Đối với dự thảo đầu tiên này, Hội luật gia VN đưa ra 7 vấn đề còn ý kiến khác nhau: Thứ nhất là những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để QH quyết định đưa ra trưng cầu, hay cần quy định rõ, liệt kê những vấn đề nào được đưa ra.
Thứ hai là phạm vi trưng cầu ý dân, chỉ nên tổ chức ở quy mô toàn quốc, hay tuỳ thuộc vào tính chất, tầm quan trọng và phạm vi tác động của vấn đề đưa ra trưng cầu mà QH quyết định quy mô tổ chức cho hợp lý, toàn quốc, hoặc trong một vùng, hoặc chỉ trong một tỉnh, thành phố.
Thứ ba là giám sát trưng cầu ý dân. Thứ tư, chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu. Thứ năm là UB trưng cầu ý dân trung ương. Thứ sáu: Kỹ thuật thiết kế các quy định về danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Và thứ bảy là về kết quả trưng cầu ý dân. Dự thảo đang xây dựng trên cơ sở kết quả có giá trị quyết định, do đó phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức quá bán kép, cụ thể là: Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Nếu là trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách đi bỏ phiếu và phương án được quá 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Thảo luận trong UB Thường vụ QH hôm nay có nhiều ý kiến khác nhau về các điểm trên, cũng như về việc trưng cầu dân ý nói chung.
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu thấy nội dung đưa ra trưng cầu ý dân còn quá chung chung: Dự thảo nói là các vấn đề về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng theo Hiến pháp, đó là tất cả các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội... Vậy những vấn đề như hôn nhân đồng tính, gia nhập TPP..., có trưng cầu không?"
Ông Giàu cũng băn khoăn về kinh phí tổ chức. Riêng với kết quả trưng cầu, ông đặt câu hỏi về giá trị của việc trưng cầu trong trường hợp một phương án chỉ nhận được 25% tán thành theo công thức "quá bán kép".
Theo Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ Phan Xuân Dũng, không nên chỉ tổ chức trưng cầu trên phạm vi toàn quốc: "Có những vấn đề thực tế như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chỉ cần trưng cầu ý dân trong khu vực chịu tác động, ảnh hưởng".
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì chưa thấy dự thảo đề cập đến điều kiện để đưa một nội dung ra trưng cầu ý dân: Việc này phải khác với việc lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp, bộ luật Dân sự, Hình sự, luật Hôn nhân gia đình... như ta đã làm, vì kết quả trưng cầu sẽ là quyết định bắt buộc thực hiện. Vậy khi QH, UB Thường vụ QH khi trình ra một vấn đề để trưng cầu ý dân phải đảm bảo những tiêu chí nhất định.
Bà Mai cũng đề nghị quy định về phạm vi không trưng cầu ý dân. Đồng tình điểm này, Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh cần "nghiêm cấm đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân những vấn đề trái với Hiến pháp, luật pháp", vì những văn bản này có gì không ổn thì QH có đủ sức xử lý.
Ông Ksor Phước tỏ ra thận trọng: Đây là việc quan trọng, không thể mơ mơ màng màng. Nếu làm tốt sẽ thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của dân, nếu xử lý không tốt thì sẽ đẩy mình vào nguy cơ bất ổn, tự ta làm rối ta.
"Hiện nay thông tin mạng nhiều, nhiều thế lực lợi dụng để nhao nhao đòi sửa đổi nhiều điều, vậy thái độ của ta như thế nào, phải kỷ cương. Có lẽ sau khi trưng cầu ý dân, QH sẽ xem xét quyết định việc thực hiện kết quả?", Chủ tịch HĐ Dân tộc góp ý.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng chung băn khoăn: Nếu kết quả trưng cầu ý dân không đúng như ý muốn thì có tổ chức trưng cầu lại không, phải làm rõ nếu dân không đồng ý thì thế nào.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng muốn sau khi có kết quả, UB Thường vụ QH sẽ báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất để QH thảo luận và ra nghị quyết công nhận kết quả trưng cầu ý dân.
Chia sẻ những băn khoăn trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng là dự thảo luật đang quy định theo hướng kết quả trưng cầu ý dân có ý nghĩa quyết định, trong khi chưa làm rõ QH có bắt buộc thực hiện hay được phép sử dụng kết quả trưng cầu ý dân như thế nào.
"Hiến pháp quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật, chứ không phải bởi trưng cầu ý dân. Mà luật là do QH ban hành. Lập hiến, lập pháp là việc của QH, không phải của dân", ông Hùng nói.
Chủ tịch QH cũng cho rằng "trưng cầu ý dân thì phải đúng là ý dân - người dân được độc lập, tự chủ, phát biểu ý kiến của mình, thể hiện chính kiến của mình bằng lá phiếu", do đó công tác tổ chức phải đảm bảo lá phiếu không bị tác động, xuyên tạc. Do đó, "nếu quy định chưa chặt chẽ thì không thể đem ra thực hiện được, nguy hiểm lắm".
Thường vụ QH yêu cầu ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật, lấy ý kiến Chính phủ, bổ sung đánh giá tác động, trình lại trước kỳ họp thứ 9 để UB Thường QH cho ý kiến và quyết định có đưa vào chương trình kỳ họp này không.
Chung Hoàng