Gần đây, nhiều tờ báo của Trung Quốc đã ‘lên tiếng’ cáo buộc Doraemon – nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới của Nhật Bản đang hủy hoại tư tưởng của giới trẻ nước này.
Kể từ khi ra mắt cách đây 45 năm, chú mèo Doraemon đã trở thành một trong số những nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất ở châu Á.
Hình tượng chú mèo máy Doraemon được tạo ra bởi Fujiko F Fujio, người Nhật Bản. Truyện tranh Doraemon đã bán được hơn 100 triệu bản và là một trong những tác phẩm bán chạy nhất trên thế giới.
Trong khi đó, phim hoạt hình Doraemon trở thành những phim thu hút nhiều khán giả ở hơn 30 quốc gia. Năm 2002, tạp chí Time đã gọi Doraemon là một trong những người hùng của châu Á.
Hàng trăm chú mèo máy Doraemon được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Hồng Kông. Ảnh: Reuters |
Trong năm 2008. Chính phủ Nhật Bản đã “bổ nhiệm” Doraemon là một “đại sứ văn hóa” đặc biệt với trách nhiệm thúc đẩy văn hóa Nhật Bản ở nước ngoài. Mới đây, Doraemon tiếp tục khẳng định ‘sức ảnh hưởng’ của mình khi được chọn làm chủ đề cho một cuộc triển lãm du lịch ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo tờ Guardian của Anh, một số tờ báo của Trung Quốc lại đưa lời cáo buộc rằng chú mèo máy đáng yêu này đang hủy hoại tư tưởng của giới trẻ nước này.
Họ còn cho rằng cuộc triển lãm với chủ đề Doraemon lần này là một phần của âm mưu nâng cao hình ảnh nước Nhật đối với người Trung Quốc trong khi hai nước đang có những tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Một bài xã luận trên tờ Nhật báo Thành Đô viết “Doraemon là một phần của nỗ lực “xuất khẩu” những giá trị quốc gia của Nhật Bản để thực hiện chiến lược tuyên truyền văn hóa của đất nước họ - đây là một sự thật không thể chối cãi… Chúng ta phải nhờ điều này, chúng ta phải giữ được cái đầu “lạnh” trước khi giang rộng đôi tay chào đón chú mèo máy màu xanh này.”
Giới trẻ Hồng Kông thích thú trong cuộc triển lãm Doremon. |
Hai tờ báo Thành Đô khác cũng đồng thời đưa ra những lời nhận định tương tự. Nhà bình luận Vương Đức Hoa của tờ Hoàn Cầu Thời báo còn cảnh báo: “Nhân vật Doraemon rất đáng yêu, nhưng cũng là đại diện cho quyền lực mềm của Nhật Bản. Chúng ta không thể để một con mèo máy điều khiển tâm trí của chúng ta được.”
Còn về phía Nhật Bản, những phản hồi của nước này về cáo buộc trên lại khá nhẹ nhàng, thậm chí mang phần hài hước. Theo bản dịch tiếng anh trên trang web Japan Crush, một cư dân mạng đã hài hước bình luận: “Chết tiệt, họ đã phát hiện ra kế hoạch của chúng ta mất rồi!”
Trái với những chỉ trích gay gắt từ một số tờ báo Trung Quốc, cũng trên Hoàn Cầu Thời báo, nhà bình luận người Trung Quốc, Liu Zhun cho rằng một số từ báo Trung Quốc đã “phản ứng thái quá” vấn đề này.
“Văn hóa Trung Quốc cần phải vươn ra toàn cầu, những bước đầu tiên là Trung Quốc phải điều chỉnh lại suy nghĩ của mình và chấp nhận những ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác… Doraemon có thể không phải là một hình tượng phán ánh tất cả văn hóa truyền thống của Nhật Bản, nhưng vẫn có thể trở thành đại diện văn hóa đất nước mặt trời mọc. Trung Quốc nên suy nghĩ thêm về điều này.” – Liu Zhun viết.
Được biết, buổi triển lãm với chủ đề Doraemon bị báo giới Trung Quốc chỉ trích mở cửa vào ngày 16/8, một ngày sau kỷ niệm 69 năm Nhật đầu hàng trong chiến tranh thế giới thứ 2.
- Thu Phương (Theo Guardian)