Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, ước tính năm 2024, xuất khẩu sầu riêng thu về khoảng 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2023, gấp 7,8 lần kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 (năm đầu tiên sầu riêng Việt được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc).
Với con số trên, sầu riêng chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả trong năm 2024, đồng thời thiết lập kỷ lục mới.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ở các thị trường chủ lực đều tăng mạnh. Trong 11 tháng năm 2024, “trái cây vua” của nước ta xuất sang Trung Quốc tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023, sang Thái Lan tăng 82%, sang Nhật Bản tăng 85%. Đặc biệt, sầu riêng xuất khẩu sang Campuchia tăng đột biến 139 lần so với cùng kỳ năm trước đó.
Hiện, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Tại Trung Quốc, người tiêu dùng trung lưu đang thắt chặt hầu bao, nhưng nhu cầu của họ với sầu riêng vẫn tiếp tục tăng. Trong 11 tháng năm 2024, Trung Quốc đã chi ra 6,83 tỷ USD để nhập khẩu 1,53 triệu tấn sầu riêng, tăng 9,4% về lượng và tăng 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Ở các thành phố của quốc gia tỷ dân này, sầu riêng đã trở thành lựa chọn "thời thượng" cho những người tiêu dùng trẻ tuổi. Ngành dịch vụ ăn uống phản ứng bằng các chương trình khuyến mại "sầu riêng + mọi thứ có thể" như: đồ uống chủ đề sầu riêng, món tráng miệng, lẩu sầu riêng, buffet…
Một thương hiệu chuyên về lẩu gà sầu riêng ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã bán hơn 2,22 triệu suất, bánh mì kẹp sầu riêng cũng thu hút sự chú ý rộng rãi trên mạng xã hội. Hay nhà hàng buffet sầu riêng ở Thâm Quyến đưa ra thực đơn với hơn 200 món có sầu riêng, giá 27 USD/suất.
Nhờ “siêu công thức” chế biến sầu riêng thành hàng trăm món ăn khác nhau của Trung Quốc, doanh nghiệp Việt đã thu về khoảng gần 3 tỷ USD từ thị trường này trong năm 2024.
Thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc, tính đến hết tháng 11/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 720.660 tấn sầu riêng từ Việt Nam, giá trị đạt trên 2,86 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước đó, nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng mạnh 50,2% về lượng và tăng 38,2% về giá trị.
Theo đó, thị phần sầu riêng của Việt Nam chiếm 47,09% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc thời gian này, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức 34,3%. Tức, thị phần sầu riêng của nước ta sắp bắt kịp đối thủ Thái Lan (52,03%) tại thị trường Trung Quốc.
Hiện, Trung Quốc chiếm đến 91% nhu cầu sầu riêng toàn cầu. Sầu riêng được người dân tiêu thụ ngày càng mạnh, từ sầu riêng tươi, đông lạnh và được ngành công nghiệp chế biến thành nhiều sản phẩm bánh, kẹo, thực phẩm, đồ uống… Dù vậy, mới chỉ chưa đến 1% người dân của quốc gia này tiếp cận được trái sầu riêng.
Điều này cho thấy tiềm năng xuất khẩu sầu sang Trung Quốc còn rất lớn. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường tỷ dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho biết, sản lượng sầu riêng của nước ta tăng mạnh. Nhiều diện tích sầu riêng được trồng cách đây 5-6 năm, đến năm 2024 đã cho thu hoạch.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT, sản lượng sầu riêng của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, đạt 1,45 triệu tấn.
Sầu riêng được mùa, được giá, được thị trường ưa chuộng giúp cho nhiều nông dân trồng loại “trái cây vua” này thu lãi lớn.
Năm 2025, xuất khẩu sầu riêng dự kiến tiếp tục bứt phá khi Trung Quốc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng. Các sản phẩm này sẽ đem lại giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi, giúp bà con tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu.
Song, để duy trì được đà tăng trưởng và tiến sâu hơn nữa vào thị trường Trung Quốc, ông Bình cho rằng cần có tiêu chuẩn quốc gia cho các mặt hàng rau quả chủ lực.
Ví như tiêu chuẩn quốc gia cho sầu riêng với một quy trình nghiêm ngặt về quy cách thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch cũng như vận chuyển, chế biến. Theo ông, nếu không có tiêu chuẩn cụ thể, người nông dân có thể vô tình làm giảm chất lượng sản phẩm, lớp vỏ bị trầy xước khiến thời gian bảo quản giảm.
Ông cũng chỉ rõ, do trồng tại nhiều vùng sinh thái khác nhau, chất lượng sản phẩm cuối cũng có thể khác nhau. Điều này giúp đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường nhưng cũng đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng.
Bởi vậy, tiêu chuẩn về chất lượng sẽ giúp các bên có cơ sở để cùng sản xuất, thu hoạch, chế biến. Đây cũng là tiền đề giúp các bộ, ngành tự tin tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, đồng thời hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, ông Bình nhấn mạnh.