Trung Quốc đã chi gần 1 tỉ USD cho một siêu giàn khoan nước sâu với mục tiêu thăm dò và khai thác năng lượng ở Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên dầu khí nhưng cũng là nơi diễn ra các tranh chấp chủ quyền căng thẳng.

Biển Đông được coi là một trong những điểm nóng "dễ tổn thương" nhất của châu Á và cũng là nơi Mỹ đang tăng cường quan hệ với các nước xung đột chủ quyền với Trung Quốc.

Cho đến thời điểm hiện tại, giàn khoan 981 do Tập đoàn dầu khí quốc gia CNOOC của Trung Quốc vẫn đang hoạt động ở phía nam Hong Kong trong ranh giới của Bắc Kinh. Nhưng các chuyên gia năng lượng Trung Quốc nói rằng, cuối cùng thì Trung Quốc sẽ đưa siêu giàn khoan nước sâu đầu tiên ra các vùng biển giàu dầu khí hơn, sâu hơn ở Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei).

"Khi công nghệ khoan ngoài khơi của Trung Quốc không ngừng cải thiện, thì vấn đề chỉ còn là thời gian để họ tiến vào trung tâm và phần phía nam của Biển Đông", Lưu Phong - nhà nghiên cứu cấp cao Trung Quốc cho biết. Khi được hỏi liệu CNOOC có đưa giàn khoan ra các vùng biển tranh chấp, Lâm Bác Cường - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng thuộc Đại học Hạ Môn nói: "Tôi cảm thấy họ sẽ... Nếu CNOOC không làm vậy, các nước khác sẽ làm. Vậy tại sao CNOOC lại không nên làm?".

Các khu vực nước sâu của Biển Đông vẫn chưa được khai thác, phần lớn bởi tranh chấp căng thẳng giữa các nước tuyên bố chủ quyền khiến các công ty dầu khí, các giàn khoan tư nhân không muốn thăm dò ở vùng nước cách quá xa bờ biển quốc gia.


CNOOC - Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc - là công ty có các tài sản dầu khí trị giá 89 tỉ USD ở Indonesia, Iraq, Australia, châu Phi, Bắc và Nam Mỹ cũng như Trung Quốc. Họ từ chối bình luận về việc liệu có đưa giàn khoan 981 ra vùng biển tranh chấp, cho dù tập đoàn này từng mô tả, giàn khoan như một "lãnh thổ quốc gia di động" khi bắt đầu hoạt động khoan ở khu vực cách nam Hong Kong 320km hồi tháng trước.

Giới phân tích lo ngại rằng, mối quan tâm của Trung Quốc trong tìm kiếm dầu khí phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế sẽ đẩy Bắc Kinh vào các vùng tranh chấp ở Biển Đông và gây nguy cơ đối đầu với các nước tuyên bố chủ quyền khác. "Các giàn khoan nước sâu lớn là lãnh thổ quốc gia di động của chúng tôi và là vũ khí chiến lược để phát triển công nghiệp dầu khí ngoài khơi", hãng Tân hoa dẫn lời Chủ tịch CNOOC Wang Yilin.

Phản ứng trở lại, Việt Nam kêu gọi tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế trong quản lý công tác thăm dò ở Biển Đông. "Các hoạt động ở Biển Đông của các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế và không được xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước khác", ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc gần đây còn có tranh chấp với Philippines về một bãi cạn ở Biển Đông. Vụ đụng độ kéo dài hơn hai tháng. Tuần trước, cả Trung Quốc và Philippines đã rút bớt tàu ở bãi cạn Scarborough. Mỹ có mối quan hệ đồng minh lâu dài với Philippines và đang tăng cường quan hệ với Việt Nam. Trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến công du tới Việt Nam, thăm cảng nước sâu Cam Ranh. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dự kiến sẽ tới Hà Nội tháng tới.

Đáy biển giàu có

Các tài nguyên giàu hydrocarbon được tin là nằm sâu ở đáy biển giữa và nam Biển Đông cũng là trong phạm vi xảy ra tranh chấp. Ước tính trữ lượng dầu được chứng minh và chưa phát hiện trong toàn bộ vùng biển ở mức từ 28 tỉ - 213 tỉ thùng dầu (báo cáo của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ tháng 3/2008).

Trữ lượng này tương đương với hơn 60 năm nhu cầu dầu hiện nay của Trung Quốc - theo triển vọng lạc quan nhất - và vượt qua trữ lượng dầu của mọi quốc gia ngoại trừ Ảrập Xêút, và Venezuela (theo đánh giá thống kê BP). Các phương tiện truyền thông quốc gia Trung Quốc gọi Biển Đông là "Vịnh Persia thứ hai". Trong một thông tin hồi tháng trước, Tân hoa xã nói rằng, khoảng 70% tài nguyên dầu và khí ở Biển Đông được tin là nằm ở trong vùng nước sâu.

Theo các nhà địa chất, phần lớn tài nguyên dầu và khí nằm ở các khu vực ở độ sâu vài trăm tới khoảng 3.000m, mặc dù có những phần sâu tới 4.700m. Sử dụng giàn khoan 981 có nghĩa là lần đầu tiên Trung Quốc có khả năng khoan dầu ở các vùng nước sâu 3.000m. Giàn khoan hiện tại đang khoan ở độ sâu 1.500m. Đây là một lý do khác để các chuyên gia nói rằng, siêu giàn khoan mới dường như sẽ được tiến xa hơn về phía nam.

Trung Quốc đã phải chờ đợi để tự mình sở hữu siêu giàn khoan nước sâu khi các giàn khoan tư nhân khó có thể thuê nổi vì sự bùng nổ thăm dò khai thác toàn cầu. Tỉ lệ sử dụng các giàn khoan nước sâu bao gồm tàu khoan, tàu lặn ở mức 90-100%. Việc thiếu thiết bị cũng là sự cản trở với các công ty nước ngoài trong việc thăm dò vùng nước sâu của Biển Đông cộng thêm sự ngại ngần ở khu vực tranh chấp. "Nếu bạn có thể khoan ở Tây Phi và Vịnh Mexico, Brazil và Biển Bắc, thì tại sao phải tới Biển Đông?", Gordon Kwan, phụ trách nghiên cứu Năng lượng tại Mirae Asset Securities cho biết.

Hướng Nam

Trung Quốc, nước sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới, đã trông chờ vào lượng dầu nhập khẩu chiếm hơn một nửa nhu cầu. Họ từ lâu đã hy vọng mở rộng hoạt động thăm dò nước sâu ở Biển Đông khi sản lượng gần bờ giảm sút. Cho tới nay, các hoạt động ngoài khơi của CNOOC và hai tập đoàn dầu khí khổng lồ khác của Trung Quốc là PetroChina và Sinopec Corp phần lớn giới hạn ở các vùng biển dọc theo hoặc gần thềm lục địa của Trung Quốc. Các hãng nước ngoài như Husky và Eni đảm nhận hoạt động ở vùng nước sâu ngoài khơi chia sẻ hợp đồng với CNOOC.

Tuy nhiên, việc triển khai siêu giàn khoan mới của CNOOC và các thiết bị hỗ trợ phức tạp đi kèm như tàu lắp đặt ống dẫn của Trung Quốc là những dấu hiệu cho thấy, hoạt động thăm dò có thể được đẩy xa hơn về phía nam. CNOOC, gần như toàn bộ sản lượng nội địa xuất phát từ các vùng nước nông, đã tuyên bố thúc đẩy khả năng khai thác nước sâu lên 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2020 hơn gấp đôi tổng sản lượng của công ty.

"CNOOC làm điều này vì họ rất cần để đảm bảo tăng trưởng sản lượng? Hoàn toàn là như vậy", Simon Powell, phụ trách Nghiên cứu Dầu khí châu Á tại CLSA nói. "Liệu họ cũng làm như vậy vì yêu cầu của chính phủ để khẳng định chủ quyền? Tôi không có bình luận gì". Theo giới phân tích, bất kỳ quyết định nào nhằm tiến vào vùng biển tranh chấp đều xuất phát từ các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh, chứ không phải CNOOC. Một số nhà quan sát công nghiệp cho rằng, khó có hoạt động thăm dò ở các khu vực mà căng thẳng vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, CNOOC, tập đoàn đang vật lộn để duy trì tăng trưởng sản lượng, có thể lại muốn tận dụng tình cảm dân tộc chủ nghĩa để kêu gọi sự hỗ trợ từ nhà nước cho chương trình thăm dò nước sâu, các nhà phân tích nói. "Truyền thông quốc gia Trung Quốc dường như bị kích động bởi giàn khoan, bởi công nghệ thăm dò hiện đại", Lí Minh Cường, phó giáo sư, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore nhấn mạnh. "Biện pháp tận dụng chủ nghĩa dân tộc có thể giúp CNOOC giành lợi thế hơn trong hỗ trợ chính sách và đầu tư quốc gia".

Rủi ro với CNOOC ở chỗ, không ai biết rõ các trầm tích hydrocarbon tồn tại thế nào dưới đáy biển. Hoạt động thăm dò của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á trong những năm gần đây hầu hết tập trung vào khí tự nhiên. Điều này đã củng cố niềm tin với các nhà địa chất, nhà thăm dò khai thác rằng, có thể có nhiều khí hơn là dầu ở Biển Đông.

Nguyễn Huy theo Reuters