Không Asian Cup, khó có World Cup
Mùa xuân năm ngoái, trong khi hầu hết các sân vận động trên thế giới rung chuyển trở lại với tiếng la hét cổ vũ của người hâm mộ, sau khi các sự kiện thể thao phải thi đấu không khán giả do cuộc khủng hoảng Covid-19, thì ở Trung Quốc, tất cả trống rỗng với nền bóng đá tê liệt.
Giữa tháng 5/2022, quyết định từ bỏ tư cách chủ nhà giải vô địch bóng đá châu Á (Asian Cup), dự kiến tổ chức mùa hè 2023, giáng một đòn mạnh vào nguyện vọng của hàng triệu người hâm mộ ở quốc gia đông dân nhất hành tinh.
Nếu không có giấy chứng nhận từ LĐBĐ châu Á (AFC) trình lên FIFA về sự kiện Asian Cup 2023, giấc mơ tổ chức World Cup của Trung Quốc rất khó trở thành hiện thực.
AFC giải thích Trung Quốc từ chối đăng cai Asian Cup với lý do "các trường hợp đặc biệt bởi đại dịch gây ra".
24 đội tuyển tham gia giải đấu cấp châu lục từ 16/6 - 16/7/2023, tại 10 thành phố chính của Trung Quốc. Đây là một thách thức hậu cần thậm chí còn lớn hơn bong bóng Thế vận hội mùa đông và Paralympic mùa đông Bắc Kinh 2022.
Trung Quốc gần như đóng cửa biên giới kể từ tháng 3/2020, tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm dịch và phong tỏa tập trung.
Cường quốc châu Á này đã đầu tư gần 31,660 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 5,37 tỷ USD) cho việc xây dựng 10 sân đấu mới để diễn ra các trận đấu. Trong số đó có sân Công nhân Bắc Kinh được xây dựng lại hoàn toàn, với sức chứa 68.000 người, là nơi tổ chức lễ khai mạc và bế mạc, cũng như trận chung kết.
Khoản giải ngân này được vạch ra như một bước đi hợp lý trước giấc mơ mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã hơn một lần công khai với thế giới: Trung Quốc sẽ trở thành nơi diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
David Ramirez, nhà báo thể thao 15 năm sống ở Bắc Kinh cho biết: "Việc đăng cai Asian Cup 2023 là lập luận chắc chắn khác ủng hộ Trung Quốc, nhằm nâng cao cơ hội thành công cho World Cup 2030 hoặc 2034".
"Đáng lẽ Trung Quốc sẽ tổ chức Cúp châu Á lần thứ hai trong thế kỷ này", nhà báo Ramirez nói thêm. "Nếu giải đấu 2004 tổ chức ngay sau VCK World Cup duy nhất của họ, thì không có gì là vô lý khi nghĩ rằng Asian Cup trải thảm đỏ cho Cúp thế giới. Đó sẽ là Trung Quốc 2030 hoặc Trung Quốc 2034".
Phát triển sai hướng
Sự xuất hiện tại World Cup 2002 ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã thúc đẩy sự phổ biến của bóng đá Trung Quốc, mặc dù thực tế đội tuyển bị loại từ vòng bảng và không ghi được bàn thắng nào.
Kỷ nguyên mới bắt đầu một thập kỷ sau đó, trùng hợp với việc thuê Marcello Lippi để dẫn Guangzhou Evergrande, thuộc sở hữu của công ty bất động sản Trung Quốc cùng tên hiện đang nợ nần chồng chất.
Mức lương 12,87 triệu USD (12 triệu euro) của Lippi, nhà vô địch World Cup 2026, mở ra chiếc hộp lãng phí Pandora và những hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD đã tạo nên nét đặc trưng của Chinese Super League.
Được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư hùng mạnh, những người sẵn sàng biến mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá châu lục vào năm 2030 và cường quốc bóng đá thế giới vào năm 2050 - thành hiện thực.
Từ đó, các CLB Trung Quốc là những đội chi tiêu nhiều nhất trên toàn cầu vào năm 2017, vượt trên 400 triệu USD cho chuyển nhượng mùa đông. Vào thời điểm đó, ba trong số năm cầu thủ được trả lương cao nhất hành tinh đã chơi ở Chinese Super League..
Bảng xếp hạng được dẫn đầu bởi Ezequiel Lavezzi (Hebei Fortune); tiếp theo là Carlos Tevez, một người Argentina khác sống ở Trung Quốc (Shanghai Shenhua); ở vị trí thứ 4 là Oscar, Kaka mới của Brazil (Shanghai SIPG). Hai người khác trong top 5 là Cristiano Ronaldo (Real Madrid) và Lionel Messi (Barcelona) tương ứng ở vị trí thứ 3 và 5.
"Ở Trung Quốc, họ kỳ vọng bóng đá sẽ cất cánh về trình độ kỹ thuật và kết quả quốc tế chỉ trong tích tắc", Ramirez nhận xét. "Không chỉ có những cầu thủ sa sút phong độ mới được đề nghị những bản hợp đồng trị giá hàng triệu đô la, một số trường hợp, như Yannick Carrasco người Bỉ hay Anthony Modeste của Pháp, đến vào thời điểm tốt nhất trong sự nghiệp của họ".
Chính sách thể thao này không thể giúp Trung Quốc đến với World Cup 2018 và 2022. Đặc biệt, trận thua đội tuyển Việt Nam một năm trước khiến người hâm mộ chỉ trích đội tuyển và gọi đây là nỗi hổ thẹn.
Giờ đây, đăng cai World Cup 2030 trở thành hy vọng xa vời, cho dù trước đại dịch ông Gianni Infantino, chủ tịch FIFA, công khai ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc.