Không chỉ hàng chục triệu cử tri Myanmar đếm từng giờ chờ đợi tới kết quả cuối cùng được công bố chính thức, nhiều nước láng giềng cũng theo dõi sát sao các diễn biến chính trị quan trọng đang diễn ra ở đây.
Aung San Suu Kyi: Từ biểu tượng đến chính trị gia
Người hùng thầm lặng của Myanmar
Tại thành phố Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam hôm 11/11, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này hoàn toàn tin tưởng Myanmar sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao thân thiện hữu hảo với Trung Quốc. Bình luận này được đưa ra ngay sau khi Myanmar tiến gần tới đích công bố chính thức kết quả bầu cử quốc hội, với chiến thắng đang được tiên lượng cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
Ông Nghị cũng chia sẻ với người đồng cấp Myanmar, U Wunna Maung Lwin rằng, Bắc Kinh "hài lòng" khi cuộc bầu cử tại Myanmar diễn ra thuận lợi. Ông Nghị không quên nhấn mạnh rằng, "là một hàng xóm tốt, Trung Quốc thành thực mong muốn chứng kiến một Myanmar ổn định, hòa hợp, phát triển và thống nhất, các đảng phái cùng chung mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, cùng tìm ra con đường phát triển phù hợp cho quốc gia này".
Hẳn rằng mọi người còn nhớ, kể từ khi Mỹ áp dụng trừng phạt kinh tế với Myanmar năm 1988, Bắc Kinh đã nhanh chân trở thành người “hàng xóm tuyệt vời” với chính quyền quân sự và phớt lờ những tiếng than bất bình của người dân Myanmar. Mối quan hệ hữu hảo này đã mở đường cho các công ty Trung Quốc nhảy vào khai thác các nguồn tài nguyên dồi dào ở đây như: ngọc, vàng, khai mỏ, khí tự nhiên, thủy điện và gỗ.
Bởi vậy, Trung Quốc không thể không theo sát các diễn biến chính trị đang diễn ra ở đây. Chia sẻ trên tờ Washingtonpost giới quan sát cho rằng, với chiến thắng áp đảo thuộc về đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đang khiến người hàng xóm Trung Quốc ít nhiều bất an.
Nhận định này được xem là có cơ sở khi Trung Quốc đã cử hẳn một phái đoàn sang quan sát diễn biến cuộc bầu cử ở Myanmar.
Ngay sau khi bầu cử diễn ra, Thời báo Hoàn cầu đã nhanh chóng tuyên bố, thay đổi quyền lực ở Myanmar sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc. “Không nên nhìn nhận rằng Myanmar hoàn toàn nghiêng về Mỹ, quan điểm như vậy sẽ phá hỏng không gian chiến lược và nguồn lực họ có thể có từ những chính sách hữu hảo của Trung Quốc", báo nêu rõ trong một bài xã luận.
Tuy nhiên, Phạm Hồng Duy - giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Hạ Môn người vừa trở về sau chuyến quan sát bầu cử ở Myanmar lại không lạc quan như vậy. Ông Phạm được tờ Washingtonpost dẫn lời rằng, sau một thời gian dài Trung Quốc bắt tay với chính quyền quân sự để kiếm lợi từ Myanmar đã làm cho hoài nghi của người dân nước này với Trung Quốc không dễ xóa bỏ chỉ sau một đêm. Bởi vậy, ông này khuyến nghị Bắc Kinh cần sớm thiết lập lại quan hệ láng giềng tốt với chính phủ mới của bà San Suu Kyi.
Cũng theo ông Phạm, "NLD là một đảng có ý thức hệ khác, và họ chia sẻ các giá trị phương Tây. Bắc Kinh lo ngại cuộc bầu cử mà phần thắng nghiên về Suu Kyi sẽ ảnh hưởng tới các lợi ích béo bở lâu nay Trung Quốc khai thác được ở quốc gia này.
Thạch Thảo