Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ tiến hành diễn tập hải quân thường niên ở Tây Thái Bình Dương cuối tháng này. Đây là "tập trận thông thường, không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào, phù hợp với thực tiễn cũng như quy định quốc tế".

Tuyên bố tiến hành diễn tập hải quân, Trung Quốc nhấn mạnh rằng, họ có quyền làm như vậy trong bối cảnh khu vực ngày càng lo ngại về sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của nước này.

Ảnh: Wordpress

Trung Quốc đang xây dựng các tàu ngầm mới, tàu nổi và tên lửa đạn đạo chống hạm như một phần nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân. Và tháng 8 vừa qua, họ đã tiến hành thử nghiệm trên biển tàu sân bay đầu tiên được tân trang từ một tàu Liên Xô cũ.

"Đây là cuộc tập trận thông thường, được lên kế hoạch trước. Nó không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào và phù hợp với thực tiễn cũng như quy định quốc tế", một tuyên bố hai dòng trên trang web của bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu.

"Tự do hàng hải của Trung Quốc và các quyền hợp pháp khác không nên bị cản trở", tuyên bố nhấn mạnh và không đề cập chi tiết về địa điểm diễn tập.

Việc Trung Quốc ngày càng với dài hơn, xa hơn trên các vùng biển khu vực đã làm gia tăng những lo ngại trong khu vực rằng, nó sẽ khiến các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ lâu dài tại ở những khu vực giàu tài nguyên trên biển thêm căng thẳng, cũng như có thể làm tăng tốc độ mở rộng quân sự ở khắp châu Á.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Australia Julia Gillard đã công bố kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương với 2.500 lính thuỷ đánh bộ Mỹ hoạt động ở căn cứ phía bắc Australia. Trong bài phát biểu trước quốc hội Australia, ông Obama nói rằng, ông đã "thực hiện một quyết định thận trọng và chiến lược. Là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đóng vai trò lớn hơn và lâu dài hơn trong việc định hình khu vực này và tương lai của nó", đồng thời khẳng định, động thái này không nhằm mục đích cô lập Trung Quốc.

Trong năm qua, Trung Quốc đã có những đụng độ trên biển với Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Các vụ việc như va chạm tàu, xâm nhập lãnh thổ trên biển... thường không lớn nhưng phản ứng ngoại giao lại bị "đun nóng".

Căng thẳng hàng hải hiện vẫn tồn tại ở Biển Đông - vùng biển với những tuyến vận chuyển trọng yếu trị giá khoảng 5 nghìn tỉ USD/năm trong thương mại thế giới, cũng là nơi được cho là giàu tài nguyên năng lượng. Các phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc cho rằng, xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh là để tương xứng với vị thế đang lên của Trung Quốc, cũng là bước đi cần thiết trong nỗ lực đảm bảo các lợi ích quốc gia ngày càng được toàn cầu hóa.

Thái An (theo Reuters)

Biển Đông và chuyện trong phòng họp lãnh đạo Đông Á
Tổng thống Mỹ Obama và hầu hết các lãnh đạo tại thượng đỉnh Đông Á đã đối mặt trực tiếp với Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, đặt Thủ tướng Trung Quốc vào thế phòng thủ trong cuộc tranh luận kéo dài.
 
Tranh chấp Biển Đông: Mỹ - Trung đối mặt ở Bali
Hôm nay, Mỹ và Trung Quốc đối mặt tại hội nghị thượng đỉnh khu vực về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông - điểm va chạm mới nhất giữa hai cường quốc.
 
Đưa Biển Đông ra thượng đỉnh Đông Á: Mỹ - Trung ngược nhau
Không có liên kết nào giữa Biển Đông và thượng đỉnh Đông Á - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Trong khi đó, Mỹ lên tiếng bảo vệ quyền của Tổng thống Obama trong việc đưa chủ đề này ra trước hội nghị.