Chỉ ngay trong năm nay, dự báo cập nhật của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới. Sức mạnh về kinh tế luôn đi kèm với sức mạnh chính trị, và cái giàn khoan trên biển Đông khiến người ta phải quay trở lại câu hỏi là quốc gia này liệu sẽ "trỗi dậy" như thế nào.
Giới nghiên cứu khoa học chính trị chia thành hai quan điểm khác nhau về hướng đi của Trung Quốc. Bài viết này sẽ sơ lược cả hai quan điểm.
TQ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại thềm lục địa VN. Ảnh: AP |
"Trỗi dậy hòa bình"?
Các học giả theo phái "tự do" (liberalism), cho rằng Trung Quốc buộc phải trỗi dậy hòa bình. Quốc gia này sẽ phải hòa nhập vào trật tự thế giới hiện có, thay vì cố thiết lập một trật tự thế giới mới vốn sẽ tạo ra nhiều nguy cơ xung đột. Biện luận bảo vệ quan điểm này được đưa ra như sau:
Thứ nhất, trật tự thế giới hiện tại, thống trị bởi Mỹ và phương Tây, dễ tham gia nhưng rất khó lật đổ. Bởi nó được thể chế hóa trên tất cả các mặt: kinh tế (có các tổ chức như WTO, World Bank, IMF), chính trị (Liên Hiệp Quốc, EU), xã hội (mạng lưới NGO và tổ chức quốc tế dày đặc), và thậm chí cả thể thao - văn hóa (FIFA). Quan trọng hơn, chính sự hấp dẫn về mô hình xã hội dân chủ sẽ giúp trật tự hiện tại đứng vững trong cuộc chiến về lý tưởng.
Thứ hai, Bắc Kinh từ kẻ ngoài cuộc trở thành một người được hưởng lợi nhiều từ hệ thống hiện tại. Nhờ tham gia vào thương mại toàn cầu, Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu số một thế giới, đem lại thặng dư đến 4.000 tỷ đôla. Các nhà đầu tư đổ tiền của vào Trung Quốc để họ thành công xưởng của thế giới, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nạn đói nghèo. Mỹ hiện là đối tác thương mại và con nợ số một của Trung Quốc.
Vậy nên, như Giáo sư Ikenberry của ĐH Princeton từng nói, "sẽ không có sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua nếu nước này không tham gia vào hệ thống kinh tế thị trường phương Tây."
Điều này hẳn sẽ làm cho Bắc Kinh phải nghĩ kỹ trước khi lật bàn để lập ván cờ mới.
Thứ ba, khác với Liên Xô ngày xưa, trên mặt lý thuyết, chính Trung Quốc cũng thừa nhận xã hội "công bằng - dân chủ" là mô hình lý tưởng nhất, mặc dù thực tiễn hành động thì có thể khác nhiều. Họ ủng hộ Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó đề cao các giá trị phổ quát (universal values) như nhân quyền và dân chủ.
Tất cả những điều này, các học giả theo phái tự do nhận định, khiến cho Trung Quốc có "lợi ích cốt lõi" trong việc giữ ổn định một hệ thống kinh tế mở, tự do, và hòa bình như hiện tại. Họ sẽ không dám gây ra những hành động quá khích làm bất ổn khu vực và thế giới.
Điều đó sẽ giúp kinh tế quốc gia này tiếp tục phát triển, củng cố sự tồn tại của chính quyền. Hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc phải chấp nhận đánh đổi nhiều quyền tự do công dân lấy thịnh vượng về kinh tế, và Bắc Kinh biết rõ điều đó hơn ai hết.
Châu Á: Tâm bão của thế kỷ 21
Tuy thế, việc Trung Quốc liên tục gây hấn với các nước láng giềng từ bắc xuống nam trong thời gian qua khiến quan điểm thứ hai của phái "hiện thực" (realism) có lẽ là thực tế hơn: Bắc Kinh không thể trỗi dậy hòa bình.
Sự đi lên của của một siêu cường tất yếu sẽ buộc nó phải thách thức trật tự hiện tại để giành miếng bánh lớn hơn, và để bảo vệ lợi ích kinh tế ngày càng tăng.
Đế quốc Anh từng như vậy. Đế quốc Mỹ từng như vậy. Ngay cả những nước "suýt" trở thành siêu cường như Đức và Nhật cũng làm như vậy, vậy tại sao lại không phải là Trung Quốc, nước đã từng là bá chủ châu Á và luôn muốn trả mối hận "trăm năm quốc nhục" khi bị phương Tây thống trị từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20?
Một cường quốc đang lên không bao giờ chấp nhận bị phong tỏa. Họ chắc chắn muốn tiếng nói có nhiều trọng lượng và quyền lực hơn trên sân nhà của mình. Trung Quốc muốn là số một ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Vì vậy, nói như một tướng quân đội Trung Quốc trên tờ Economist: "Với Bắc Kinh, sự hiện diện của Mỹ ở trong khu vực chẳng khác nào một tên du côn có nhiều tiền án lởn vởn ngoài cửa."
Ba thập niên phát triển kinh tế vượt bậc cũng là giai đoạn mà Trung Quốc hiện đại hóa mạnh mẽ quân đội. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute-SIPR), Bắc Kinh đã tăng ngân sách quốc phòng lên gấp ba lần trong 10 năm (2001-2011).
Dù vẫn cách khá xa so với Mỹ, số tiền bỏ ra cho quân sự của Trung Quốc đứng thứ nhì thế giới, đạt 188 tỷ USD.
Các nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể tuyên bố rằng họ tăng cường vũ trang chỉ để "phòng vệ" chứ không phải để "bành trướng". Nhưng nói như GS John Mearsheimer của ĐH Chicago, lời nói chẳng mất tiền mua.
Người ta không thể biết được ý đồ của Bắc Kinh là gì, chỉ thấy thực tế là tiềm lực quân sự của quốc gia này ngày càng mạnh và nguy hiểm hơn trước. Theo Global Security, Trung Quốc có lượng quân đông nhất thế giới, hơn bảy triệu người, gấp đôi số quân của Mỹ.
Khi không thể chắc chắn về ý đồ của nước láng giềng hùng mạnh, đặc biệt là sau những hành vi khiêu khích về lãnh thổ, các quốc gia trong khu vực tất nhiên phải tự bảo vệ mình. Họ làm điều đó theo hai cách.
Thứ nhất, chạy đua vũ trang với Trung Quốc, chí ít là để tăng thêm khả năng phòng vệ. Nhật Bản tăng gấp đôi ngân sách quân sự trong 10 năm qua, và đang nỗ lực thay đổi Hiến pháp để cho phép lực lượng phòng vệ được dùng vũ lực. Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân để chống lại chiến lược "chuỗi ngọc trai" (string of pearls) của Trung Quốc. Người được kỳ vọng sẽ làm thủ tướng của Ấn Độ sắp tới, Narendra Modi, là chính trị gia nổi tiếng với chính sách cứng rắn hơn về vấn đề chủ quyền.
Ngay cả những quốc gia bé hơn, chẳng hạn Philippines cũng tích cực trang bị thêm vũ khí và tiềm lực quốc phòng.
Thứ hai, các nước trong khu vực đang có xu hướng liên minh với nhau và với cường quốc đang giữ vị trí thống trị ở châu Á - Thái Bình Dương là Hoa Kỳ để "kiềm chế" (contain) sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Hiện hầu như tất cả các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Bắc Kinh đều có hiệp ước quân sự với Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan).
Hoa Kỳ, với tư cách siêu cường, tất nhiên không muốn từ bỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiến lược. Điều đó được thể hiện trong chính sách "xoay trục" (Asia pivot) của Tổng thống Obama với hàng loạt các cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh thời gian qua.
Khi cả hai bên đều tăng cường quân sự tất yếu sẽ dẫn tới một cuộc đua vũ trang không có điểm dừng. Rủi ro khi đặt các kho thuốc nổ nằm cạnh nhau là rất lớn.
Chính vì thế, Robert Kagan, một học giả chính trị người Mỹ, cho rằng Châu Á của thế kỷ 21 không khác nào châu Âu của thế kỷ 19 với những kèn cựa của các cường quốc trỗi dậy và nguy cơ xung đột.
Bá quyền khu vực
GS Mearsheimer cho rằng, điều mà Trung Quốc muốn không hẳn là thống trị toàn cầu, mà là trở nên mạnh hơn tất cả trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để không ai có thể đe dọa lợi ích của họ. Nói cách khác, Trung Quốc muốn trở thành bá quyền trong khu vực (regional hegemon). Đây đơn giản là cách cư xử của mọi siêu cường đang lên.
Mỹ với học thuyết Monroe (Monroe Doctrine) đã đẩy các cường quốc châu Âu ra khỏi Tây bán cầu để thống trị châu Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Đế quốc Nhật cũng đã nỗ lực bành trướng và xây dựng "khối thịnh vượng chung Đại Đông Á" vào những năm 20-30 của thế kỷ trước. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Mearsheimer tin Trung Quốc cũng sẽ có một "học thuyết Monroe" của riêng mình trong kỷ nguyên mới.
Họ sẽ làm điều đó bất chấp những thiệt hại về kinh tế, bởi động cơ cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày nay mang đậm chủ nghĩa dân tộc. "Cũng như Mỹ, Trung Quốc nghĩ rằng vị trí và sự thần phục của các quốc gia khác còn quan trọng hơn của cải và an ninh," Ông Kagan từ viện Brookings phân tích.
Những động thái tuyên bố "lợi ích cốt lõi" ở biển Hoa Đông và biển Đông, thiết lập vùng nhận diện phòng thủ trên không (ADIZ), gây sự với Nhật Bản, Việt Nam, và Philippines, đồng thời cảnh báo Mỹ không được can dự, cho thấy Bắc Kinh đang dần hiện thực hóa chính sách Monroe kiểu Trung Quốc.
Khắc Giang
(Còn nữa)
-----
Tài liệu tham khảo
1. Beckley, Michael (2011/12), 'China's Century: Why America's Edge Will Endure', International Security, 36:3, pp. 41-78, except 58-73.
2. Deudney, Daniel and Ikenberry, John (2009). 'The Myth of Autocratic Revival: Why Liberal Democracy Will Prevail', Foreign Affairs, 88:1, 77-93. (SB)
3. Economist (2014). Chinese and American GDP forecasts: Catching the eagle.
4. Friedman, Thomas (2014). More chopsticks, please. New York Times.
5. Kagan, Robert (2007), 'End of Dreams, Return of History', Policy Review 144 (11 pp.).
6. Kagan, Robert (2008), 'History's Back: Ambitious autocracies, hesitant democracies', The Weekly Standard, 13: 46, 25 August, 5 pp.
7. Kagan, Robert (2008), 'Dangerous Nation', International Politics, 2008, 45, (403-412)
8. Ikenberry, John (2008), 'The Rise of China and the Future of the West: Can the Liberal System Survive?', Foreign Affairs, Vol. 87, No. 1 (Jan. - Feb., 2008), pp. 23-37
9. Mearsheimer, J. J. (2010). The gathering storm: China's challenge to US power in Asia. The Chinese Journal of International Politics, 3(4), 381-396.
10. Rachman, Gideon (2011). 'This Time It's for Real', Foreign Policy, 184, Jan-Feb., pp. 59-63.
11. Stockholm International Peace Research Institute (SIPR) database (2012, 2013)
12. Sørensen, Georg (2006), 'What Kind of World Order? : The International System in the New Millennium', Cooperation and Conflict 2006, 41: 343
Vogel, E. F. (1991). The four little dragons: The spread of industrialization in East Asia (Vol. 3). Harvard University Press.
Xem thêm các bài:
|