Báo RT ngày 1/12 đã đăng tải thông tin về công trình nghiên cứu mới, gây chú ý của các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan khác nhau ở Trung Quốc, bao gồm cả Đại học Tôn Trung Sơn tại Quảng Châu và Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu.
Trong báo cáo nghiên cứu công bố một ngày trước đó, các chuyên gia ở đại lục tin, họ có thể đã tìm ra "thuốc điều trị vạn năng" cho đại dịch Covid-19.
Nhóm tác giả cho biết, ở cả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên cơ thể sống, kháng thể đơn dòng 35B5 đã cho thấy khả năng vô hiệu hóa chủng gốc của virus SARS-CoV-2 (loại được phát hiện đầu tiên ngoài tự nhiên, không có đột biến) cũng như các biến thể cần quan tâm (VOC). Trong đó, các thử nghiệm trên cơ thể sống được thực hiện ở những con chuột nhân bản.
Các nhà khoa học lưu ý, kháng thể trên cũng phát huy hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta sở hữu lượng đột biến cao và là thủ phạm gây ra các làn sóng lây nhiễm chết người trên khắp thế giới kể từ khi được nhận diện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào đầu năm nay.
"35B5 vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 bằng cách nhắm tấn công vào một yếu tố quyết định kháng nguyên epitope duy nhất (vị trí cấu trúc trên một phân tử kháng nguyên mà kháng thể bám vào) để tránh các vị trí đột biến phổ biến", nhóm nghiên cứu giải thích. Nói cách khác, 35B5 nhắm vào một phần duy nhất của virus không bị thay đổi trong quá trình đột biến và do đó không chịu tác động của tất cả đột biến trong các VOC hiện hành.
Bằng cách này, kháng thể 35B5 đã cho thấy khả năng “trung hòa toàn diện một cách hiệu quả” với nhiều biến thể. Nhóm nghiên cứu lập luận, phát hiện có thể được khai thác để cho ra đời một loại vắc xin ngừa Covid-19 phổ quát.
Các chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh, vị trí kháng nguyên được kháng thể 35B5 nhắm tới cũng tồn tại trong biến thể Omicron. Vì vậy, nghiên cứu có thể mang tới giá trị to lớn trong bối cảnh Omicron đang lan rộng.
Các nhà lãnh đạo và các nhà khoa học trên khắp thế giới hiện lo ngại, nhờ sở hữu lượng đột biến lớn nhất từ trước đến nay, biến thể mới có thể né tránh khả năng miễn dịch có được nhờ dùng vắc xin hoặc từ lần nhiễm bệnh trước đó.
Tuấn Anh
Thủ phạm cản trở cuộc chiến chống biến thể Omicron toàn cầu
Gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sự đổ lỗi, tình trạng thiếu phối hợp hành động, thiếu thông tin và sự hoảng sợ tái diễn đang gây hại cuộc chiến chống biến thể Omicron của thế giới.
Biến thể virus corona khiến WHO họp khẩn nguy hiểm thế nào?
Một số chuyên gia lo ngại biến thể virus corona chủng mới vừa được phát hiện có thể "nguy hiểm nhất" từ trước đến nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến họp khẩn về biến thể này hôm nay, 26/11.