- Nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả khi Trung Quốc xả nước theo yêu cầu của Việt Nam cũng khó có khả năng cứu hạn cho ĐBSCL.
Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng của ĐBSCL, ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị nước này có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh của Việt Nam.
Theo Dân Việt, Công hàm số số 128/NG-ĐBA mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi tới Đại sứ quán nước Công hòa nhân dân Trung Hoa, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả 2.300 m3 nước mỗi giây. Thời gian xả nước trong 134 ngày, trong đó có 92 ngày xả nước liên tục, 42 ngày xả nước chia làm 6 đợt, mỗi đợt xả 7 ngày.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết hôm 14/3 rằng, Trung Quốc sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15/3 đến 04/4/2016. Tuy nhiên, trả lời trên Dân Việt chiều 15/3, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi khẳng định, phía Trung Quốc vẫn chưa có lịch xả nước theo đề nghị của Việt Nam.
Không hiệu quả
Kể cả khi Trung Quốc xả nước theo đề nghị của Việt Nam thì việc cứu hạn cũng không hiệu quả. |
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL cho biết, việc yêu cầu Trung Quốc xả nước để cứu hạn cho ĐBSCL sẽ không hiệu quả bởi nước được xả từ hồ thủy điện Trung Quốc khó có thể về được tới ĐBSCL.
Ông Thiện cho rằng, do hiện tượng Elnino cực đoan năm nay, dòng sông đang hạn hán khắp nơi trong lựu vực chứ không chỉ Việt Nam.
Bên cạnh đó, 82% lượng nước mà ĐB SCL nhận được là từ phần lưu vực chảy qua Lào, Thái Lan, Campuchia. Hợp phần đóng góp của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 16% lưu lượng nước của con sông.
Do đó, kể cả khi Trung Quốc có xả nước theo yêu cầu của phía Việt Nam thì lượng nước này cũng chảy vào các nhánh ở các nước Lào, Thái Lan hay Campuchia trước khi về Việt Nam.
"Giả sử nước có về được tới Campuchia thì cũng quẹo phải và hồ Tongle Sap chứ khó có thể xuống được tới ĐB SCL. Hơn nữa, giờ có đưa xuống được cũng chẳng để làm gì", ông Thiện khẳng định.
Đồng tình với ý kiến này, TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng, kể cả khi Trung Quốc có xả nước thì lượng nước này cũng phải vượt qua quãng đường lên tới 4.200 km mới có thể về tới Việt Nam. Điều này là không khả thi trong khi các quốc gia khác thuộc lưu vực sông Mekong như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang gặp hạn hán.
Trong khi đó, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu cho rằng, việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả 2.300m3/s liên tục trong 7 ngày mỗi đợt là không thực tế.
Theo TS Tuấn, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc có dung tích hoạt động tối đa là 249 triệu m3 nước. Do đó, nếu xả theo yêu cầu của Việt Nam là tối thiểu 2.300 m3/s thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ.
"Như vậy chỉ sau hơn 1 ngày là hồ hết nước, lấy đâu ra mà xả tiếp mấy ngày sau?", ông Tuấn nói. "Bên cạnh đó, hiện lượng nước đến hồ Cảnh Hồng rất ít. Cộng thêm đập thủy điện Cảnh Hồng là đập điều tiết theo mùa nên không thể vận hành theo ngày được".
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, kể cả khi nước có về tới ĐB SCL thì cũng không đem lại hiệu quả bởi lẽ ở thời điểm hiện tại, các vùng canh tác lúa và màu hiện nay ở ven biển đã bị thiệt hại gần hết rồi, đưa nước vào chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa nữa.
Lê Văn
XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC