"Nếu như hầu hết các công nghệ không gian đều có giá trị vô giá cả về dân dụng lẫn quân sự, thì mọi dự án mà Trung Quốc theo đuổi trong không gian đều nghiêng hẳn về lợi ích của quân đội", chuyên gia Johnson-Freese bình luận trên AP.

TIN LIÊN QUAN

  Tên lửa đẩy Long March 2-F - loại tên lửa chịu trách nhiệm đưa tàu Thiên cung lên không gian. Nguồn: ChinaDaily.

Vào lúc 8h30 tối qua, giờ Việt Nam, tàu Thần cung 1 của Trung Quốc đã rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

Thiên cung, tức Tiangong 1, là bước chuẩn bị quan trọng để Trung Quốc có thể xây dựng được trạm không gian riêng của nước này sau Mỹ và Nga.

Theo kế hoạch, Thiên cung sẽ được phóng từ sa mạc Gobi lên không gian vào cuối tuần này, giữa thời điểm mà sự siết chặt về ngân sách và những thay đổi về chính sách ưu tiên đã khiến Mỹ trì hoãn nhiều chương trình không gian và phóng tàu vũ trụ có người lái.

Theo Tân hoa xã, bài kiểm tra lớn nhất và quan trọng nhất của tàu Thiên cung sẽ diễn ra vài tuần sau khi nó được phóng lên không gian. Đó là khi Thiên cung tìm cách tiếp cận với tàu Thần Châu 8. Nếu thành công, đây sẽ bước dọn đường quan trọng cho việc xây dựng trạm không gian Trung Quốc dù năng lực không gian của Bắc Kinh vẫn cần nhiều năm nữa mới "bắt kịp" Nga và Mỹ.

"Giây phút quan trọng nhất của Thiên cung sẽ không phải là lúc cất cánh thành công với tư cách một cá thể độc lập. Mục tiêu thực sự của sứ mệnh này là khi nó "cập bến" thành công vào một tàu không gian khác. Nếu  không có bước "hẹn gặp" và "cập bến" này, bạn sẽ không bao giờ chạy được các chương trình không gian tối tân. Bạn sẽ chỉ dừng lại ở việc phóng các tàu nhỏ, tự hành mà thôi", chuyên gia vũ trụ Morris Jones bình luận.

Chính phủ Trung Quốc hy vọng, sau 3 lần phóng tàu không người lái thành công, nước này sẽ phóng được tàu chuyên chở phi hành gia trong trong vòng 2 năm nữa.

"Về mặt kỹ thuật, giai đoạn này đang rất giống với chương trình Gemini của Mỹ trước đây, khi NASA chuẩn bị phóng tàu vũ trụ có người lái vào giữa thập niên 60", bà Joan Johnson - Freese, chuyên gia về các chương trình không gian của Trung Quốc so sánh trên AP. "Sau này, Thiên cung sẽ trở thành tàu con thoi, chuyên chở người và phương tiện lên trạm không gian quy mô lớn".

Giai đoạn "tiếp cận" với Thần Châu 8 sẽ là khoảnh khắc quan trọng nhất của Thiên cung 1, bởi nó sẽ quyết định Trung Quốc có thể triển khai tiếp các dự án không gian ở cấp cao hơn như trạm không gian hay không. Nguồn: Xihuanet.

Hiện trạm không gian ISS vẫn đang do Mỹ, Nga và một số nước khác cùng vận hành, nhưng không có Trung Quốc trong danh sách này. Hiển nhiên, Trung Quốc mong muốn có một trạm không gian riêng hơn bất cứ nước nào khác, thể hiện ở các chương trình không gian đầy tham vọng của nước này suốt những năm qua.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc sốt sắng triển khai các chương trình không gian đã khiến dư luận quốc tế quan ngại. "Nếu như hầu hết các công nghệ không gian đều có giá trị vô giá cả về dân dụng lẫn quân sự, thì mọi dự án mà Trung Quốc theo đuổi trong không gian đều nghiêng hẳn về lợi ích của quân đội", bà Johnson-Freese bình luận.

Về phần mình, Mỹ cho biết sẽ không thử nghiệm loại tên lửa đẩy đưa người vào không gian mới nào trước năm 2017, còn Nga thì tuyên bố những tàu vũ trụ có người lái không còn là mối ưu tiên trong những chương trình không gian của nước này.

Trọng Cầm