Có những vụ việc kinh doanh trái phép đã nhận diện rõ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã bí mật điều tra, lên kế hoạch bắt giữ và chỉ đạo địa phương triển khai nhưng lực lượng chức năng địa phương vẫn lần chần không xử.
Đây là mộ nội dung được phản ánh trong cuộc họp báo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 10 tháng đầu năm 2015.
Dẫn chứng về việc này là những ẩn khuất trong vụ xử lý vi phạm của công ty Thuận Phong. Đây là công ty sản xuất kinh doanh phân bón dán mác "made in USA".
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đây là một trường hợp có dấu hiệu sản xuất kinh doanh trái phép được nhận diện khá rõ. Lực lượng 389 quốc gia đã vào cuộc điều tra ngay từ tháng 4. Qua xác minh, dấu hiệu vi phạm nổi cộm nhất là công ty Thuận Phong mặc dù không xuất trình được hồ sơ chứng nhận hợp quy cho các loại phân bón nhập khẩu nhưng thực tế, hàng đã bán ra thị trường từ cuối năm 2013 đến thời điểm liên ngành kiểm tra vào tháng 4/2015 với số lượng lớn.
Nhiều vụ hàng giả bị cơ quan chức năng phát hiện |
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, dùng dằng mãi đến nay, các vi phạm trên của công ty Thuận Phong vẫn chưa có kết luận xử lý nào. Lực lượng chức năng địa phương và công an Đồng Nai mới chỉ yêu cầu tạm dừng sản xuất, niêm phong hàng hoá.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của công ty Thuận Phong có thể phải xử lý hình sự thì ông Cẩn cho hay, 10 ngày trước, cơ quan điều tra Đồng Nai thụ lý vụ việc cho rằng, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự mà có thể chỉ phạt hành chính.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Phó Ban chỉ đạo 389 nói: "Đây là vụ việc phức tạp, Cục Quản lý thị trường nước xa không cứu được lửa gần".
Vụ việc ở công ty Thuận Phong chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả mà cơ quan trung ương ra tay mới bị phát hiện xử lý.
Ông Cẩn cho biết: "2 ngày nay, Tổng Cục Cảnh sát đang cùng lực lượng quản lý thị trường và văn phòng Ban chỉ đạo 389 khám sát 4 kho hàng lớn của 1 chủ đầu nậu và 3 doanh nghiệp tại Bình Chánh, Tp HCM. Bước đầu, chúng tôi phát hiện toàn hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc nhập phải có điều kiện"...
Nhức nhối vấn đề hàng giả |
Ông Cẩn dẫn chứng tiếp như vụ tổ chức soi 2.000 container và kiểm tra 100% thực tế hàng hoá. Trong đó, có tới 204 container chứa toàn hàng cấm như xe đạp, xe máy, điều hoà, mỹ phẩm, với khối lượng 6.000 tấn, trị giá tới 100 tỷ đồng. Đặc biệt là vụ việc phát hiện giả chứng nhận xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế các nước xuất khẩu trong ASEAN đối với 1.000 container đá ở công ty TNHH Công nghiêp Gốm sứ Dian- Ya, Đồng Nai, qua đó, nhằm trốn thuế nhập khẩu lớn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389, trong 10 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Trong 10 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 168.939 vụ việc vi phạm (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2014), số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 10.120 tỷ 598 triệu đồng (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014), khởi tố 1.066 vụ án hình sự.
Phạm Huyền