Trước tầm nhìn và kiến thức phong phú của Người, nhiều trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng luôn tự thấy mình nhỏ bé và thừa nhận, mình trưởng thành do chính Người chỉ bảo ân tình mà nên.
Cố GS.TS Phạm Huy Thông và cố NSND, đạo diễn tài ba Phạm Văn Khoa, những người từng có vinh dự đi theo phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trưởng thành lên rất nhiều là nhờ thế.
Cách dùng từ thuần Việt của Bác
GS.TS Phạm Huy Thông hồi năm 1946 có thời gian được Bác Hồ chọn làm thư ký cho mình. Đó là khi Bác cùng phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau.
Một cuốn sách xuất bản gần đây của tác giả Hoàng Xuân Huy có tựa đề “Hồ Chí Minh, ngọn hải đăng vĩnh cửu”. Trong đó có những câu chuyện với chi tiết rất thú vị rất đáng suy nghĩ.
Năm 1946, Bác Hồ được Chính phủ Pháp mời sang thăm. Cùng lúc đó, hội nghị Fontainebleau cũng diễn ra giữa Chính phủ ta do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu với Chính phủ Pháp.
Do giỏi tiếng Pháp và có kiến thức khoa học xã hội rộng, GS Phạm Huy Thông được ông Phạm Văn Đồng giao làm Thư ký riêng cho Bác Hồ.
Một hôm, khi chuẩn bị bài phát biểu cho Bác, GS Thông được Bác uốn nắn một cách sâu sắc đến ngỡ ngàng. Qua đó, GS cảm nhận rằng mình quả là nhỏ bé khi đứng trước Người về kiến thức và văn hoá ứng xử.
Bác bảo với GS Phạm Huy Thông: “Chú viết văn Pháp xem ra bóng bẩy, tế nhị đấy. Thế nhưng, đây là một bài văn nói. Chú có định cho người ta kịp nghe, kịp hiểu không mà viết câu dài hàng ki lô mét thế này?”.
Khi GS Phạm Huy Thông nói về khẩu hiệu của Pháp như “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, Bác bình luận: “Chú nêu như vậy là vừa đúng, vừa hợp đối tượng. Cách mạng 1789 của Pháp đối với lúc bấy giờ là lớn lắm. Nhưng đó là lúc bấy giờ. Ta đâu cần chọn khẩu hiệu để cũng có như người, hoặc để hay hơn người! Khẩu hiệu để hợp với ta lúc này là Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Và GS Thông sau này rất thấm thía cách dùng từ thuần Việt của Bác Hồ. Điều đó cũng giúp ông nhiều trong cả sự nghiệp làm khoa học xã hội sau này khi trở về Tổ quốc, từ bỏ giàu sang phú quý của gia đình, dấn thân phụng sự đất nước.
Làm văn hoá mà không thuộc Chinh phụ ngâm là chưa được
Đạo diễn điện ảnh, NSND Phạm Văn Khoa có may mắn được làm việc bên cạnh Bác ở các giai đoạn khác nhau.
Trong những ngày độc lập đầu tiên của nước nhà năm 1945, Hà Nội chuẩn bị đón quân đồng minh vào, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và đạo diễn Phạm Văn Khoa được giao nhiệm vụ treo khẩu hiệu trên các đường phố Thủ đô. Những khẩu hiệu cắt dán chữ vàng được đặt trên nền đỏ bằng các thứ tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp. Nội dung là:
“Nước Việt Nam của người Việt Nam!”
“Độc lập hay là chết!”
“Hoan hô những người giải phóng cho chúng ta!”
Đến tối đó, Bác nhìn ngoài đường thấy có treo, Bác bảo ông Khoa phải bỏ đi cái khẩu hiệu “Hoan hô những người giải phóng cho chúng ta!”.
Bác giải thích: “Cách mạng Tháng Tám là do Đảng ta lãnh đạo, nhân dân ta đấu tranh gian khổ với thực dân Pháp và phát xít Nhật thì mới giành lại được chính quyền, độc lập tự do cho Tổ quốc chứ có ai đến giải phóng cho chúng ta đâu mà các chú làm khẩu hiệu cảm ơn họ!”.
Thế là 2 ông lập tức mượn chiếc xe cam nhông đi gỡ tức thì tất cả băng rôn ghi câu này. Thật là một bài học nhớ đời với 2 nhà văn hoá sau này đều rất nổi tiếng của đất nước.
Sau đó, Bác nhận ông Phạm Văn Khoa về làm việc tại Văn phòng của Bác. Rồi đến năm 1950, ông Khoa thêm một lần nữa được tổ chức giao nhiệm vụ công tác cạnh Người.
Một lần đang trên đường, Bác hỏi: “Chú Khoa làm công tác văn nghệ, vậy có thuộc Chinh phụ ngâm không?”.
Thật thà, ông Khoa đáp: “Thưa Bác, cháu chỉ thuộc từng đoạn thôi ạ”. Nghe vậy Bác ôn tồn bảo: “Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu sắc vốn văn nghệ của dân tộc thì không làm được đâu”.
Kể từ đó, trong mỗi dịp đi đường, vào buổi sáng, Bác dạy ông Khoa học thuộc 4 câu trong Chinh phụ ngâm. Buổi chiều Bác bảo ông đọc lại rồi hôm sau dạy 4 câu mới.
Cứ thế, trong mấy chục ngày đường đi bộ, ông Khoa đã thuộc lòng cuốn Chinh phụ ngâm. Thêm nữa, thỉnh thoảng Bác còn hỏi ông những chữ khó. Bác bảo ông Khoa ngâm cho Bác nghe và nói: “Đi đường ngâm nga thế này vừa vui vừa đỡ mệt”.
Người kể, hồi Người bị quân Tưởng Giới Thạch bắt và giam trong nhà lao bên Trung Quốc, nhờ có làm thơ và đọc thơ mà Bác không chịu thua số phận, giữ vững chí khí cách mạng, biến nhà tù thành trường học lớn để rèn luyện ý chí có hiệu quả nhất và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.
21 tuổi (năm 1937), Phạm Huy Thông đỗ cử nhân Luật tại Viện Đại học Đông Dương. Sau đó, ông sang Pháp học trên đại học các ngành Sử, Địa, Luật, Kinh tế, Chính trị. 26 tuổi, ông lần lượt thi đỗ tiến sĩ Luật và thạc sĩ ngành Sử, Địa tại Pháp. Năm 31 tuổi, ông được phong giáo sư, giữ chức ủy viên Hội đồng giáo dục Tối cao của Pháp. Chính những ngày được gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ 1946), ông được Người cảm hoá để rồi quyết định chọn cho mình con đường giải phóng dân tộc. Cố đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa đến với điện ảnh từ năm 1958 và năm 2007 được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 1937, ông hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ, là giảng viên Pháp văn, Hoa văn. Ông từng tham gia đoàn kịch Thế Lữ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông cùng ông Đặng Thai Mai đứng ra thành lập Ban kịch Hoa Lan. Kháng chiến bùng nổ, ông tiếp tục tham gia đoàn kịch Chiến thắng cùng Thế Lữ, Thanh Tịnh... Tại An toàn khu, ông được cử làm Chủ nhiệm tờ báo Cờ giải phóng. Thời gian sau, ở chiến khu Việt Bắc, ông làm việc ở báo Sự thật - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Quốc Phong
Archimedes Patti là nhân chứng hiếm hoi khi được mời tham dự sự kiện lịch sử: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chủ động và nhiệt thành mở đường cho quan hệ Việt - Mỹ.