Ngày 18/10, Công an TP.HCM đã tổ chức hội thảo trao đổi, thảo luận nội dung liên quan các Dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, sẽ trình Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 6; dự báo nhu cầu sử dụng, kiện toàn các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, qua đó kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Cùng chủ trì hội thảo có Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP.HCM; ông Hà Phước Thắng, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Góp ý liên quan đến Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03) Bộ Công an, nhấn mạnh, việc tài xế điều khiển phương tiện trong trạng thái buồn ngủ là hết sức nguy hiểm. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra là do tài xế buồn ngủ, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo Thiếu tướng Nguyên, quy định tổng thời gian lái xe của tài xế là 1 ngày không quá 8 giờ, là nhằm hướng tới quyền được an toàn của người tham gia giao thông.
Nhắc lại vụ tai nạn xe Thành Bưởi vào rạng sáng 30/9 tại Quốc lộ 20, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai làm 5 người tử vong, 4 người khác bị thương, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên hé lộ: "Khi xem clip ghi cảnh cuối cùng trên xe, có thể thấy tài xế vò đầu, bứt tóc… không thể phản xạ kịp dẫn đến tai nạn thương tâm trên".
Về giải pháp để quản lý, xử phạt trường hợp tài xế lái xe quá tổng số giờ quy định trong ngày, vị Cục trưởng V03 cho rằng, áp dụng công nghệ để quản lý thì sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.
Thiếu tướng Nguyên dẫn chứng, tại Mỹ nếu người điều khiển xe ô tô quá 4 giờ không nghỉ ngơi, nhà chức trách sẽ dễ dàng phát hiện qua thẻ lái xe có ID và áp dụng hình phạt rất nặng.
Góp ý về Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, bà Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, cần làm rõ ngưỡng nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bao nhiêu thì bị xử phạt vì hiện tại nhiều người dân 'rất mông lung' về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nói rõ, người có nồng độ cồn dưới 50mg/100ml máu đã không chạy xe được, nhưng có người nồng độ cồn gấp 5-6 lần vẫn chạy xe bình thường, nên rất khó đưa ra ngưỡng. “Người dân khi đã tham gia giao thông thì phải chấp nhận nguyên tắc nói không với rượu bia” - Cục trưởng V03 nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu tán thành, đồng thuận, nhất trí ủng hộ về nội dung liên quan các Dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đánh giá vai trò, vị trí, kết quả hoạt động của các lực lượng đảm bảo ANTT tại cơ sở trong thời gian qua; sự tác động đối với tình hình ANTT và sự cần thiết xây dựng ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANTT.
Các tham luận cũng đề cập đến công tác triển khai thi hành pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn Thành phố; thực trạng và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
Tham luận tại hội thảo, Thượng tá Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08), Công an TP.HCM cho biết, lực lượng CSGT TP đang quản lý gần 9 triệu phương tiện. Hàng ngày còn có khoảng 200.000 phương tiện lưu thông từ nơi khác đến.
Tính đến tháng 9, TP.HCM có tỉ lệ đường đô thị đạt hơn 50%. Địa phương cũng đang tiếp tục triển khai thi công và khởi công các công trình trọng điểm như: hầm chui Nguyễn Văn Linh, nút giao An Phú, hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn...
Những năm gần đây, dù cơ sở hạ tầng giao thông TP không ngừng được nâng cấp, cải thiện, song vẫn chưa khắc phục được tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT của người dân.
Mặt khác, những áp lực về lượng người và phương tiện tham gia giao thông quá lớn, cùng vấn đề thiếu ý thức tuân thủ quy định pháp luật về giao thông đường bộ của người dân cũng là một trở ngại lớn đối với công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn.