Mở nhưng vẫn thận trọng và an toàn
Từ ngày 10/8, nhà máy của Công ty CP AVIA (thành viên Tập Đoàn AMACCAO) tại Đông Anh, Hà Nội thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Sau một thời gian, công ty chuyển sang sản xuất “2 tại chỗ” khi Đông Anh được UBND TP phân loại vào phân vùng 2, tức “vùng vàng”.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, lãnh đạo công ty cho biết: Ngày 8/9, công nhân sẽ được xét nghiệm PCR đầy đủ và đảm bảo các công tác phòng ngừa dịch bệnh trong quá trình đi lại, sản xuất. Huyện Đông Anh cũng tạo điều kiện cho tất cả cán bộ nhân viên được tiêm phòng vắc xin mũi 1.
Việc sản xuất vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. |
Trên địa bàn huyện Đông Anh có khu công nghiệp Thăng Long, với khoảng 70.000 công nhân lao động từ nhiều tỉnh ngoài vào làm việc. Huyện vẫn được đánh giá là địa bàn nguy cơ cao và một số xã trên địa bàn có nguy cơ rất cao. Đông Anh hiện có số ca nhiễm xếp thứ hai của thành phố, thuộc vùng 2 tính theo bảng phân vùng mức độ dịch của TP. Hà Nội. Vì vậy, tùy tình hình dịch bệnh, UBND huyện sẽ áp dụng linh hoạt biện pháp theo Chỉ thị 16 hoặc cao hơn chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ theo từng phân khu trên địa bàn.
Ngày 5/9, UBND huyện Đông Anh ban hành công văn số 2798/UBND-KT về việc hướng dẫn xây dựng, thực hiện phương án đảm bảo hoạt động, sản xuất an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ngân hàng, các doanh nghiệp trên địa bàn trong tình hình mới.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng và áp dụng đồng thời các phương án hoạt động, sản xuất an toàn khác nhau như "3 tại chỗ", "2 tại chỗ", "1 cung đường an toàn", "2 điểm đến an toàn",... Tuy nhiên, Đông Anh chỉ cho phép áp dụng "2 tại chỗ" đối với các khu vực dân cư được đánh giá an toàn (màu xanh), nguy cơ (màu vàng) trên địa bàn huyện.
Có nhà máy đặt tại Mê Linh, lãnh đạo Nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh cho hay: Công nhân nhà máy hầu hết là người địa phương nên từ trước đến nay vẫn thực hiện sản xuất bình thường. Sáng đi tối về, hầu hết nhà công nhân chỉ cách nhà máy 2-3km.
Tuy nhiên, do giãn cách xã hội áp dụng ở nhiều tỉnh thành, việc sản xuất bị tác động nhất định.
Theo UBND huyện Mê Linh, kể từ ngày 27/8 đến nay hyện không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Cũng là huyện thuộc phân vùng 2 nên Mê Linh thực hiện theo Chỉ thị 15 và áp dụng một số biện pháp cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn. Tùy theo khu vực nguy cơ, các doanh nghiệp được sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Lãnh đạo một công ty sản xuất trà ở Sóc Sơn (huyện thuộc phân vùng 2) thông tin, việc sản xuất không có gì thay đổi. Công ty này vẫn đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, 100 công nhân vẫn ăn, ở, làm việc tại nhà máy.
Lo nhất thị trường thu hẹp
“Việc sản xuất '3 tại chỗ' khiến công ty phải bỏ thêm chi phí ăn, ngủ, nghỉ, điện nước cho công nhân, tất yếu làm chi phí tăng thêm. Bình thường, lương công nhân là 4-5,5 triệu/tháng thì nay chi phí cho một công nhân lên gần 7 triệu đồng”, lãnh đạo DN sản xuất trà ở Sóc Sơn nói với PV.VietNamNet.
Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo doanh nghiệp này lo lắng hơn là thị trường tiêu thụ chậm, chi phí lãi vay lớn. Vị này cho hay cùng kỳ năm ngoái công ty sản xuất được 500 tấn trà, thì năm nay chỉ còn 100 tấn.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Phần lớn DN là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên phương án sản xuất “3 tại chỗ” không phải là nỗi lo quá lớn. Vấn đề lo lắng nhất hiện nay là thị trường bị thu hẹp do các địa phương áp dụng giãn cách xã hội, dịch bệnh vẫn chưa giảm. Ngoài ra, lãi suất cho vay ở mức cao cũng tiếp tục trở thành gánh nặng cho sản xuất kinh doanh.
Những nỗi lo của doanh nghiệp đã thể hiện rõ rệt qua báo cáo kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng của UBND TP. Hà Nội. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 8% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 25 nghìn tỷ đồng, giảm 32,2% so với tháng trước và giảm 51,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 8, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là gần 1.300 DN, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, giảm 33%; thực hiện thủ tục giải thể cho 244 doanh nghiệp, giảm 1%; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9%
Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách của Nhà nước trong lúc khó khăn này. Trong đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về mặt giấy tờ đi lại, luồng xanh, tiêm phòng 2 mũi vắc xin để đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh.
“Ít nhất Hà Nội không nên đưa ra các quy định thay đổi liên tục về giấy đi đường như thời gian qua, khiến doanh nghiệp mất thời gian công sức đi lại”, đại diện một DN chia sẻ.
Lương Bằng
Điều kiện mở dần, để nền kinh tế sớm thoát 'tổn thương'
Những dữ liệu về kinh tế đang xấu đi khiến không ít người sốt ruột. Việc giãn cách xã hội như thế nào, ra sao, bao lâu và cách nào thoát khỏi tình trạng này là điều nhiều người quan tâm.