Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những con người phát triển toàn diện: đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.
Thời gian qua, rất nhiều trường học tại Hà Nội đã cụ thể hóa bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Đại diện Trường THPT Ngô Gia Tự cho biết nhà trường đã ban hành quy tắc ứng xử thay cho các quy định trước đây. Quy tắc này đã được thảo luận và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong nhà trường.
Trong đó, trường quy định cụ thể những hành vi giáo viên không được làm như: xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp; gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình...
Về phía học sinh, không được phép xúc phạm, xâm phạm người khác; gian lận trong học tập, kiểm tra; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng...
Cái hay của quy tắc là nếu như trước đây việc ứng xử thường chỉ quy định từ một phía (học sinh đối với giáo viên, nhà trường đối với phụ huynh…) thì nay yêu cầu mọi người đều thực hiện.
Mỗi học sinh đều tâm niệm “Tập thể lớp là một gia đình” và “Nhà trường là một đại gia đình”, luôn luôn mong muốn và góp phần xây dựng để “gia đình” là điểm tựa, nguồn vui, niềm tin, niềm tự hào cho từng học sinh mỗi ngày đến trường chính là mục tiêu Trường THPT Ngô Gia Tự hướng đến.
Từ nhiều năm nay, Trường THCS Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) cũng đã xây dựng văn hoá “khoanh tay cúi chào”. Các thầy cô giáo cùng thực hành văn hóa này và giúp học sinh học tập để khi ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào đều chào hỏi nhau như một thói quen tốt.
Khi đến trường, các em luôn thực hiện hành động “khoanh tay cúi chào” các thầy cô giáo và các cô, các bác nhân viên. Không chỉ thực hành trong nhà trường, các em còn coi hành động đó như một thói quen tốt khi đi trên đường hay khi gặp gỡ cư dân nơi mình sinh sống.
Ban giám hiệu Trường THCS Đô thị Việt Hưng nhận định, việc kết hợp với gia đình là một nhân tố giúp các em hình thành thói quen “khoanh tay cúi chào” nhanh hơn. Vì thế, trong các buổi họp phụ huynh, thầy cô cũng trao đổi các nội dung này và phối hợp cùng bố mẹ hướng dẫn, duy trì nếp chào hỏi cho các con.
Hiệu trưởng Trường THCS Đô thị Việt Hưng cho biết: Văn hóa “khoanh tay cúi chào” trong nhà trường được 100% cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện. Đây là nét văn hóa mang dấu ấn riêng của trường.
Tại Trường Tiểu học Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) từ trước tới nay, nhà trường rất quan tâm tới văn hóa ứng xử của học sinh, đặt mục tiêu đưa việc chào hỏi trở thành một thói quen với học sinh.
Không khó để bắt gặp hành động “ Khoanh tay - mỉm cười - cúi chào” trong và ngoài nhà trường. Quan trọng hơn, phía sau hành vi ấy là nụ cười, là niềm vui của cả học sinh và thầy cô, ông bà, cha mẹ...
Trường THCS Gia Thụy (quận Long Biên) cũng đã xây dựng chuyên đề và phát động văn hoá chào hỏi trong toàn trường. Ngoài việc giáo dục dưới cờ, nhắc nhở trong các tiết sinh hoạt, nhà trường lồng ghép việc này vào các môn học đạo đức, giáo dục công dân, đồng thời tuyên truyền về văn hóa chào hỏi trên loa phát thanh và các nền tảng mạng xã hội, website của trường.