LTS: Thời điểm cuối năm 2022 đang ghi nhận tình trạng "nóng" tại các trạm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc, nhất là ở một số thành phố lớn. Nguyên nhân từ việc siết chặt "đầu vào" đăng kiểm ngay từ "vòng gửi xe". Nhiều chủ ô tô đã phải ngậm ngùi đưa xe về vì trót...độ đèn, thay cỡ lốp, ốp thêm cản trước, sau...
Cũng từ đây, trên khắp mạng xã hội nổ ra nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh việc "độ xe để an toàn hay mất an toàn?". Bài viết dưới đây của nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh, là người có thâm niên trong lĩnh vực ô tô xe máy, đã thể hiện quan điểm của mình về tính đúng sai trong câu chuyện "xe không nguyên bản".
Mấy nay thấy nhiều chủ ô tô đi đăng kiểm bị "trượt" hơi nhiều, không ít người bị loại "từ vòng gửi xe". Trên mạng đủ mọi tranh cãi đúng sai, nhiều người cho rằng thay mặt ca-lăng cho đẹp hay độ cái bi (đèn thấu kính,PV) cho sáng, an toàn hơn thì có sao,..v.v.
Thật ra theo triết học thì cái gì trên xe đều hoạt động trong một "mối quan hệ biện chứng, tác động, phụ thuộc qua lại..." với những thứ khác.
Ví dụ cảm biến túi khí nằm sau ca-lăng nguyên bản được thiết kế để lực va chạm tới ngưỡng X nào đó sẽ kích nổ. Giờ thay ca-lăng dày hơn nó sẽ tạo ra sai số, mà túi khí chỉ vài phần nghìn mili giây nó đã tạo ra khác biệt đáng kể, về an toàn, đó là ranh giới giữa sống và chết lệch đi rồi.
Như các công nghệ an toàn chủ động bây giờ, nhiều cảm biến đặt sau ca-lăng, dưới lớp vỏ xe... chưa nói tới cản trước, cản sau lắp thêm inox cỡ to, kể cả lắp thêm cái lip dày chỉ vài mm hay lắp ca-lăng độ che camera, lệch sóng cảm biến ... đều có thể khiến máy tính toán sai, dẫn tới chức năng an toàn hoạt động lệnh.
Tôi không nói cái lệch nào cũng gây chết người, nhưng một phần triệu rủi ro cũng vẫn là rủi ro. Chả ai muốn thế! Ngay cái xe rẻ tiền tôi đang đi, cảm biến 360 quanh xe bẩn tí còn rú loạn, sơn nhầm tí đè lên cảm biến là báo cái xe dí sát sau đuôi mình cách 1.500 mét nữa là.
Nếu bảo độ để an toàn thì thế nào là an toàn? Ca-lăng độ nhiều khi không làm từ vật liệu mềm, để đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi va chạm... Mấy cái phụ kiện làm đẹp, ai dám đảm bảo không rơi ra đường khi xe chạy, mà không rơi ở 50 km/h thì 120 km/h nó rơi thì sao, rồi có khác gì đạn bắn vào xe sau không?
Rồi đèn độ có đảm bảo luồng sáng cho camera trên xe không, có tối ưu về tầm nhìn không? Cái này nói mãi rồi, nhiều người cho là đèn càng sáng càng tốt, là hoàn toàn ngộ nhận.
Ví dụ trước đây có trào lưu thi nhau độ sao cho đường cắt đèn thấu kính thật đẹp, thật sắc, nhưng lại ko để ý sự sắc nét này làm ranh giới sáng-tối trở nên quá khác biệt, mắt ko thể điều tiết được.
Nhìn một cái đèn pha xịn trên xe ánh sáng nó mịn, khoảng sáng không quầng, không loá, đảm bảo độ nhìn hiển thị tối ưu nhất trong mọi tình huống thời tiết, cảnh vật, mặt đường... mà ở đây không chỉ là những thứ nằm trong luồng sáng. Chưa kể tới an toàn cho người đối diện, rồi đường xá địa hình, quy định mỗi quốc gia cho góc chiếu hay mức sáng bao nhiều.... tất cả đều có chuẩn.
Đèn rồi, cảm biến rồi... ấy là còn chưa nói tới những thứ ảnh hưởng tới hoạt động cơ khí của xe, như luồng gió lưu chuyển vào khoang lái hay gì gì đó, những cái này đều ảnh hưởng đến độ bền của xe. Như xe châu Âu, đến cái van hằng nhiệt còn điều khiển từng milimet, cái ca lăng còn đóng từng góc vài độ... để đảm bảo nhiệt độ động cơ lúc nào cũng tối ưu, tiết kiệm xăng, tránh hỏng gioăng... Mà nhiệt độ nó tới ngưỡng Y thì nó mới lại kích hoạt thêm cái gì gì đó để thế này thế kia....
Nói chung mỗi khi thay đổi một chi tiết nhỏ trên xe, nhà sản xuất đã phải tính toán, xê dịch rất nhiều thứ, để đảm bảo mọi thành phần trên xe hoạt động chuẩn, an toàn tối đa, hiệu năng tối đa... Cái này nếu độ thêm không thể đảm bảo được, trừ những hãng độ chuyên nghiệp ở nước ngoài.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!