- Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ sửa đổi vừa được Bộ GD-ĐT công bố ngày 2/3, sau khi trượt đại học, những thí sinh đạt chuẩn xét tuyển sẽ được linh động thêm về thời gian và cơ hội tìm chỗ thích hợp. Cụ thể, mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 và 3 sẽ kéo dài trong 20 ngày.  Đặc biệt, thí sinh sẽ được rút hồ sơ đăng ký dự thi sau khi đã nộp, thay vì chỉ  được duy nhất nộp một lần như trước đây.



Thí sinh dự thi vào ĐH năm 2010. Ảnh: Lê Anh Dũng
Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ ổn định theo giải pháp “3 chung”.
Các thí sinh thi chung đợt, chung đề thi (theo các khối) vào các ngày trong tháng 7; sau đó, dùng kết quả này để xét tuyển. Nếu không trúng theo nguyện vọng 1, những thí sinh đủ điều kiện (điểm sàn) sẽ được quyền sử dụng kết quả thi để đăng ký xét vào các trường khác đang còn dư chỉ tiêu tuyển sinh.
Thời gian để đăng ký các NV2 và 3 sẽ kéo dài từ tháng 8 tới ngày 10/10, thay vì "chốt hạ" vào 20/9 như trước.

Sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển NV1 chậm nhất là ngày 20/8 thì sẽ nhận hồ sơ đăng ký NV2 và 3 như sau:

Đợt 2: Từ ngày 25/8 đến 17h ngày 15/9; đợt 3: từ ngày 20/9 đến 17h ngày 10/10.

Điểm khác biệt của việc xét tuyển năm nay là các trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh hàng ngày và công bố công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển này trên trang web của trường.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 8 năm dùng giải pháp "ba chung", Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường được quyền chủ động: Nếu có nguyện vọng thì sẽ được rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Bộ cũng yêu cầu các trường phải tạo điều kiện thuận lợi.

Những năm trước đây, các NV2, NV3 là những "nguyện vọng cứng": Khi đã nộp hồ sơ để xét NV2 thì chỉ được nộp duy nhất một trường; nếu trượt NV2 thì tiếp tục nộp một NV3 và chờ cho đến khi trường công bố kết quả.

Thông thường, mỗi kỳ tuyển sinh có khoảng 1 triệu lượt hồ sơ đăng ký vào các trường ĐH, CĐ. Ngoài khối các trường công an, quân đội, năng khiếu...hầu hết thí sinh thi theo đề chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Sau khi có kết quả NV1, khoảng 600.000 thí sinh bị "loại khỏi cuộc chơi". Trong số này, khoảng 200.000 thí sinh đủ điểm sàn sẽ tiếp tục cuộc đua mới tranh xấp xỉ 100.000 suất vào ĐH, CĐ từ "cửa" NV2 và 3.

Ai được lợi?

Trên báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số trường ĐH Khoa học xã hội -Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ĐH Hà Nội, ĐH Thương mại cho rằng việc công khai thông tin xét tuyển có nhiều lợi ích cho thí sinh: Giúp thí sinh có dữ liệu để cân nhắc lựa chọn hợp lý các ngành đào tạo, trường cũng có cơ hội tuyển đúng, đủ những thí sinh có chất lượng, có NV; khiến việc xét tuyển bớt nặng nề.

"Các trường sẽ rất vất vả" - PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho hay. Quy định cho phép thí sinh rút hồ sơ sau khi đã nộp vào sẽ khiến nhiều trường không đồng tình, bởi  dễ tạo ra sự rối ren, cảnh hỗn loạn  khi có hàng ngàn thí sinh đến nộp, rút hồ sơ.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phân tích thêm, việc này không giúp thí sinh có thói quen tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

"Với những trường quản lý tốt vấn đề tuyển sinh, làm việc chuyên nghiệp, có hệ thống, có điều kiện công nghệ thông tin hiện đại thì việc thực hiện quy định mới của bộ không khó khăn gì. Nhưng ngược lại, trường quản lý theo kiểu cổ lỗ, cán bộ làm việc chủ yếu trên giấy tờ thì sẽ vất vả, cập rập, có thể nhầm lẫn, sai sót", bài viết trên báo Tuổi Trẻ chốt lại với ý kiến của ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội.

  • Vân Phong