Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh công tác giảm nghèo về thông tin, tập trung cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Tại huyện Vị Thủy, công tác truyền thông về giảm nghèo được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú. Làng trầu Vị Thủy ở Hậu Giang, với quy mô gần 200 vườn trầu trải dài trên 32,5ha, là vựa trầu lớn nhất vùng ĐBSCL. Gắn bó với cây trầu hơn 50 năm, người dân nơi đây đã dần biến nghề trồng trầu thành ngành nghề nông nghiệp truyền thống. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, các kênh truyền thông địa phương đã vào cuộc, tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật từ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến kinh nghiệm canh tác tiên tiến.

Các mô hình trồng trầu cho năng suất cao, chất lượng tốt được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời gìn giữ và phát triển thương hiệu trầu Vị Thủy.

làng trầu vị thuỷ hậu giang.jpeg
 Người dân được phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật từ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của cây trầu. 

Còn tại Thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thuỷ có 9 cụm loa truyền thanh, phủ đều 5/5 ấp. Ngoài tiếp sóng trực tiếp từ đài truyền thanh huyện, thị trấn còn xây dựng chương trình để phát trên các cụm loa tại địa phương. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gương thoát nghèo tiêu biểu, các phong trào của huyện, của địa phương...

"Được giao nhiệm vụ vận hành hệ thống loa truyền thanh của thị trấn, tôi luôn thực hiện đúng nguyên tắc, hiệu quả. Đối với các bản tin của địa phương, chúng tôi biên tập sao cho nội dung gần gũi, để người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đó, giúp mọi người tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, kịp thời, nhất là các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo", ông Lê Minh Sớm, công chức văn hóa - xã hội UBND thị trấn Nàng Mau, cho biết.

Người dân được cung cấp thông tin đầy đủ về chính sách, mô hình kinh tế

Xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Nhờ có thông tin kịp thời, người dân hiểu rõ các chính sách cũng như nắm bắt được kỹ thuật, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình.

Để đưa chính sách tới từng hộ dân trên địa bàn, xã chú trọng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Ưu thế của truyền thanh là phủ sóng rộng khắp, người dân vừa tham gia lao động, sản xuất vừa có thể được phổ biến thông tin, kiến thức, quyết tâm không để người dân nào bị 'nghèo thông tin'.

Với các chương trình bám sát, phản ánh xác thực tình hình phát triển kinh tế, xã hội, các mô hình, cách làm hiệu quả, các gương điển hình... Hệ thống thông tin cơ sở góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết với báo chí: "Nhờ tiếp cận các thông tin chính thống qua các kênh tuyên truyền, hộ nghèo biết thêm về các mô hình làm ăn hiệu quả. Từ đó, chủ động tìm tòi, học hỏi để thực hiện các mô hình, cách làm ăn phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, góp phần nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần".

Công tác giảm nghèo được thành phố Ngã Bảy xác định phải thực sự nâng cao đời sống của người dân. Cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ, địa phương tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho người dân. "Người dân cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các chính sách, mô hình phát triển kinh tế để có thể lựa chọn, áp dụng phù hợp với điều kiện của gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững", ông Vũ nhấn mạnh.

Người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ sẽ thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực tự chủ, tạo động lực để vươn lên thoát nghèo.