Hàng năm, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh cũng như Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân triển khai văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tới Hội Nông dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của đơn vị. 

Sau đó, các cấp Hội chủ động lựa chọn hình thức vận dụng thực hiện cho phù hợp như: Tổ chức học tập, quán triệt các văn bản pháp luật; Tọa đàm, giao lưu, trao đổi thảo luận về các nội dung pháp luật; Nghiên cứu tài liệu qua tủ sách pháp luật, phương tiện thông tin đại chúng; Lồng ghép với các buổi họp, sưu tầm tài liệu để nghiên cứu… 

l3760848.jpg
Hội viên nông dân Thái Nguyên tiếp cận pháp luật qua các nền tảng số. 

Nội dung tuyên truyền phổ biến cho cán bộ hội viên, nông dân tập trung vào các chủ trương, quan điểm, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các luật, bộ luật như: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hợp tác xã; nội dung, chính sách mới tại các Luật, pháp lệnh mới ban hành, nhất là các chính sách pháp luật có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, nông dân.

Hội Nông dân chú trọng tuyên truyền, phổ biến định hướng đối với các quy định pháp luật mà xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội như dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... Tăng cường tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…

Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các nền tảng số, mạng xã hội như website, fanpage và Zalo… Nhờ đó, nhiều chính sách, văn bản, chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật đã đến được với cán bộ, hội viên nông dân kịp thời. 

Điển hình như Hội đã phổ biến, giáo dục pháp luật qua Facebook. Mỗi bài viết sau khi đăng tải đều được theo dõi, đánh giá mức độ tương tác, lượng tiếp cận thông tin để rút kinh nghiệm trong việc biên soạn.

Bên cạnh tập trung đăng tải tin bài tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các trường hợp vi phạm pháp luật để giáo dục, răn đe thì fanpage cũng đã thay đổi cách thức, tập trung tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật cũng như những vấn đề người dân ở cơ sở đang quan tâm bằng cách thức thể hiện gần gũi, sinh động dễ hiểu, dễ nắm bắt. Vì vậy, đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi, tương tác tích cực của đông đảo người sử dụng mạng Facebook.

Đồng thời, các hội viên nông dân cũng tự tìm hiểu, nghiên cứu và học thêm các chính sách luật, phục vụ cho đời sống hàng ngày, biết sử dụng luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân mình. 

Các cấp Hội Nông dân thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp cán bộ, hội viên nông dân; Tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm, ma túy, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ môi trường, khiếu nại tố cáo… tại 9 huyện, thành, thị. Từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức được 20 buổi tuyên truyền với trên 1.200 lượt hội viên nông dân tham dự.

Hội Nông dân tỉnh còn đầu tư trang thiết bị phòng họp trực tuyến, tích hợp kết nối liên thông phòng họp trực tuyến của Hội Nông dân tỉnh với các phòng họp trực tuyến theo đầu mối cấp tỉnh và hệ thống phòng họp trực tuyến dùng chung các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Đến nay đã có trên 90% nội dung truyền thông của tổ chức Hội được thực hiện trên không gian mạng theo quy định của pháp luật; trên 60% các thông tin, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện và các văn bản pháp luật được cập nhật kịp thời trên website của Hội, trang thông tin điện tử. Duy trì hiệu quả hoạt động các Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật.

Các cấp Hội còn thực hiện tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Thông qua việc xây dựng các Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, hình thành lực lượng nòng cốt để làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân.

Đến nay, Hội Nông dân các cấp đã thành lập được 20 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội, thu hút trên 800 hội viên nông dân tham gia.

Các thành viên của Câu lạc bộ được trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội cơ sở tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân và tham gia giám sát, phản biện xã hội. Hoạt động của Câu lạc bộ duy trì đều đặn, nội dung sinh hoạt trọng tâm, đáp ứng với nguyện vọng của nhiều hội viên nông dân. Từ đó, góp phần giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân và người dân có ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật; giải quyết kịp thời những tranh chấp trong nội bộ nông dân; thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thời gian tới, cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên sẽ thúc đẩy hơn nữa công tác truyền thông pháp luật trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng tiếp cận pháp luật của người dân hơn. 

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV