Chia sẻ về hệ thống các nguyên nhân dẫn tới bức tranh công nghiệp hỗ trợ còn chưa phát triển, TS. Nguyễn Thị Kim Thu, Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, có 7 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, chưa xây dựng được chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp dựa vào đó xây dựng chiến lược phát triển cho riêng mình, từ đó các doanh nghiệp mới có thể yên tâm đầu tư. 

Thứ hai, chưa có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là chính sách về vốn vay, lãi suất ưu đãi, chính sách thuế v.v, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. 

Thứ ba, chưa có quy hoạch đồng bộ cho phát triển CNHT: Mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ đã được qui hoạch tổng thể nhưng việc quy hoạch lại chưa được thực hiện cho từng vùng miền, từng địa phương, do đó việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn mang tính tự phát, chưa có sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

ảnh: Băng Dương

Thứ tư, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ công nghệ kỹ thuật của các doanh nghiệp hỗ trợ còn khiêm tốn, khó có khả năng chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những ngành có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao. 

Thứ năm, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được thực hiện nhiều, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhưng còn thiếu thông tin và cơ hội. 

Thứ sáu, chưa thành lập cơ quan độc lập của nhà nước để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận những tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp lớn để những doanh nghiệp sản xuất hàng hỗ trợ có điều kiện tiếp cận, học hỏi, giao lưu và ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm. 

Thứ bảy, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

TS Nguyễn Thị Kim Thu nhận định, gần đây, xu thế chuyển dịch sản xuất hướng vào xuất khẩu đã kích thích CNHT mở ra khả năng xuất khẩu sản phẩm thông qua sản phẩm lắp ráp sau cùng.

Mặc dù có nhiều triển vọng, song do phát triển trên nền sản xuất khép kín, công nghệ nền lạc hậu và đội ngũ doanh nhân chưa năng động; với dung lượng thị trường nhỏ, chưa đủ quy mô sản xuất kinh tế, giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh thấp nên thương hiệu và thị phần của CNHT Việt Nam còn nhiều giới hạn.

Trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.

DN sản xuất linh kiện của Việt Nam còn khoảng cách với các Tập đoàn FDI (ảnh: Băng Dương)

Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, song rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.

Lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT trong nước khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất.

Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp CNHT của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý...

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, sản phẩm CNHT chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao… Có thể thấy, hiện nay một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao.

Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu. Số doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong lĩnh vực CNHT còn khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam, với tỷ trọng thấp vì vẫn đang còn khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng khá lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước.

Điều này dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt Nam thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các ngành này yếu kém.

Băng Dương (ghi)