Hôm qua (27/6), Quốc hội đã ấn nút thông qua 2 Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Điểm mới ở cả hai luật này là đều dành 1 chương quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh.
Cụ thể, trong Luật Đường bộ, Điều 70 quy định về hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô được định nghĩa là hoạt động sử dụng ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác.
Theo đó, hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện và được quy định như sau:
Trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng ô tô.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Ngoài ra hoạt động này phải tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong khi đó, tại Điều 46, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu rõ, ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu:
Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; lắp thiết bị giám sát hành trình; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; xe có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe với ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Đối với ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu: Lắp thiết bị giám sát hành trình; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.
Đặc biệt khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên xe.
Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Tài xế đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Đặc biệt Luật cũng quy định cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.
Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng đỗ xe tại khu vực trường học và ở các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
Đánh giá nỗ lực cao của ban soạn thảo đã luật hóa việc đưa đón học sinh, hiệu trưởng trường một trường tư thục ở Hà Nội cho rằng, việc làm này nhằm đảm bảo an toàn cho các em tốt hơn.
“Hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô sẽ được thực hiện bài bản không còn tình trạng mỗi trường làm một kiểu. Đặc biệt Luật cũng quy định rất rõ việc nếu trường sử dụng xe riêng đưa đón học sinh thì như thế nào và xe đưa đón học sinh kết hợp kinh doanh vận tải thì cũng phải tuân thủ ra sao.
Tôi cho rằng đây là những chuẩn mực buộc các trường tổ chức hoạt động đưa đón trẻ phải tuân thủ. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 - tức là còn 6 tháng để các trường chuẩn bị, đây là khoảng thời gian phù hợp", vị hiệu trưởng này thông tin.