Kỳ tích con cá tra

Tại họp báo Lễ hội cá tra lần thứ nhất với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, chiều 13/12, ông Lê Hà Luân - Bí thư Thành ủy TP. Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết, Hồng Ngự là nơi khởi nguồn của con cá tra ở ĐBSCL. 

Trước kia, người dân chỉ ra sông vớt cá tra loại loại nhỏ (cá bột, cá hương) về nuôi lớn trong ao. Đây là nguồn thực phẩm chính trong bữa cơm gia đình. Sau này, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến, con cá tra từ ao làng đã vươn ra biển lớn, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới. Đến nay, cá tra đã trở thành ngành hàng tỷ USD, ông chia sẻ.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, khẳng định, cá tra đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Năm 1997, lần đầu tiên cá tra tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ thu về 1,6 triệu USD.  

Xuất khẩu cá tra năm 2022 ước đạt 2,4 tỷ USD - mức cao nhất lịch sử (Ảnh: Minh Dũng)

Giai đoạn 2003-2008, diện tích ao nuôi, công suất nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất tăng mạnh. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD (năm 2008 đạt 1,46 tỷ USD). 

Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành hàng cá tra nước ta không ngừng phát triển và hiện trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.

Năm 2022, sản lượng cá tra dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD - kỷ lục lịch sử của ngành hàng.

"Sau hơn 20 năm phát triển đã viết nên kỳ tích con cá tra. Nhưng bước tiếp theo chúng ta phải giúp ngành cá tra phát triển bền vững hơn", ông Luân chia sẻ. Theo đó, lễ hội cá tra lần này là để nhìn nhận lại về tổng thể câu chuyện về con cá tra, bắt đầu thế nào, thăng trầm với nó ra sao. Từ đó rút ra bài học và định hướng cho năm 2023.

Mua da cá ở Singapore rất đắt, mình có sao không làm

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, năng suất cá tra của Việt Nam đang cao nhất thế giới. "Nhưng như vậy không có nghĩa là cá tra đã hoàn hảo", ông nói. Theo ông, vùng nuôi, công tác giống, vấn đề dịch bệnh, sản phẩm giá trị gia tăng, sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm, du lịch sinh thái... là những việc cần phải làm trong thời gian tới. 

Để phát triển bền vững, ngành cá tra cần làm thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng (Ảnh: Minh Dũng)

Riêng về chế biến cá tra, theo ông Lê Hà Luân, con cá tra được sử dụng gần hết các bộ phận như: thịt cá phile, da cá có một số doanh nghiệp sử dụng để làm collagen, mỡ cá làm dầu ăn, các phần còn lại chủ yếu xay làm thức ăn chăn nuôi. Song, để gia tăng lợi nhuận, ngành cá tra cần tiến tới làm các sản phẩm mới thuyết phục khách hàng sử dụng.

"Trong lễ hội lần này, doanh nghiệp sẽ tung ra cẩm nang 200 món chế biến từ cá tra". Ông cho biết, khi nghiên cứu cặn kẽ thị trường thì sẽ tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng. 

Ông Trần Đình Luân cũng dẫn chứng: "Sang Singapore mua sản phẩm làm từ da cá rất đắt, ăn giòn như bimbim. Mình cũng có lượng lớn da cá, vậy tại sao không phát huy làm những sản phẩm như vậy. Từ đó có thể thấy, ngành hàng này còn nhiều thứ để làm".

Nhận định công nghệ chế biến cá tra ở Việt Nam đạt trình độ cao ngang tầm thế giới, song ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng, phần sản phẩm còn đơn điệu, chưa tận dụng được hết các thành tố quan trọng của con cá tra.

Hiện, thị trường xuất khẩu tương đối tốt, nhưng thị trường nội địa còn bỏ trống. Cá tra ở miền Bắc còn hạn chế, đây là mảnh ghép cần hoàn thiện, ông chỉ rõ.