Nỗi lo bị thắt chặt
Theo số liệu của Bộ Tài chính, dư nợ trái phiếu DN tại Việt Nam hiện tương đương 14,8% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển, chẳng hạn như Hàn Quốc là 87,7% GDP, Hoa Kỳ là 56,2% GDP và Trung Quốc là 36,46% GDP.
Sau những vụ việc lùm xùm vừa qua, quan điểm về thị trường trái phiếu DN đang có xu hướng chuyển từ trạng thái cởi mở sang quản lý chặt chẽ, khiến giới chuyên môn quan ngại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng, sau khi xảy ra rủi ro, quan điểm chuyển từ mở sang siết chặt là đi ngược lại với xu hướng phát triển. Những quy định như: hạn mức phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sợ hữu, không được phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần, cho vay vốn với DN khác… là quá chặt và không đúng theo nguyên tắc thị trường. Theo ông, nếu cứ siết như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ thị trường “teo” đi, không thể nào đạt được sự cân bằng giữa thị trường vốn dài hạn và ngắn hạn.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy, nguồn cung đang khan hiếm, lại thiếu vốn, sản xuất kinh doanh sẽ đi về đâu? Trong hoàn cảnh hiện nay, cần khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa, để DN có vốn hoạt động, còn không sẽ dẫn đến nguy cơ tê liệt. Xu thế của chúng ta hiện nay là thắt chặt các điều kiện kinh doanh, cứ thấy có gì rủi ro là thắt chặt ngay.
“Với thị trường trái phiếu DN, sắp tới sẽ có nhiều quy định thắt chặt, cả quy định cũ cộng thêm quy định mới. Tôi thống kê thấy có hơn 10 điều kiện thắt chặt hơn nhiều so với các lĩnh vực khác, chủ yếu là chặn điều kiện phát hành, như vậy sẽ đóng chặt cửa thị trường trái phiếu DN”, luật sư Đức nhận định.
Vấn đề ở đây là cần xây dựng thị trường thật công khai, minh bạch và chính xác. Trái phiếu là thị trường đầu tư, không phải là tiền gửi. Đầu tư ắt có rủi ro. Vấn đề là phải thúc đẩy các DN tiến hành xếp hạng tín nhiệm và mọi hoạt động phát hành phải công khai, minh bạch, cho dù DN có thua lỗ hay phát hành để trả nợ, đảo nợ… thì nhà đầu tư sẽ tự quyết định có mua hay không, Luật sư Đức nói.
Lấy lại niềm tin
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược tài chính đến năm 2030”, theo đó đặt mục tiêu dư nợ trái phiếu DN sẽ đạt 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030. Không những vậy, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, nên rất cần vốn trung, dài hạn. Ước tính ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động từ 700 nghìn đến 1 triệu tỷ đồng.
Trong khi hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức cho vay vốn trung, dài hạn, thì kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng.
Chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất: Không nên can thiệp quá nhiều bằng các biện pháp hành chính vào thị trường. Với Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, muốn phát hành trái phiếu thì DN trước hết cần phải minh bạch và chuyên nghiệp. Như vậy, phải có xếp hạng tín nhiệm và nâng cao tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thị trường không có lỗi, vấn đề là phải phân các loại rủi ro thành từng nhóm khác nhau, để nhà đầu tư tự quyết định.
Thị trường trái phiếu DN tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư bị dao động. Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, trong thời điểm này cần lấy lại niềm tin và bảo vệ nhà đầu tư. Yêu cầu những DN phát hành trái phiếu sai phạm như Apec Group, Vsetgroup… trả lại tiền cho nhà đầu tư đã phần nào giúp khôi phục lại niềm tin.
Cùng với đó, phải nhanh chóng phát triển thị trường thứ cấp tập trung, để nhà đầu tư có thể trao đổi mua bán, giảm thiểu bớt những rủi ro, góp phần đem lại sự phát triển lành mạnh.
Trần Thủy
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ 7/2021 đến 3/2022, tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.