Không ai có thể nghĩ rằng người bí thư chi bộ được nhiều người dân bản tin yêu và tôn trọng lại từng có quá khứ “đen tối” vì nghiện ma túy. Nghe anh kể về nỗ lực quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy của mình càng khâm phục hơn nghị lực phi thường của người đàn ông dân tộc Thái đã vượt qua cám dỗ và mặc cảm để đứng dậy sau vấp ngã, phấn đấu trở thành người có ích.
Thử một lần cho biết
Vượt hơn 200km đường bộ từ thành Vinh để đến với xã miền núi Châu Kim (huyện Quế Phong, Nghệ An), chúng tôi tìm gặp anh Lô Văn Chung (SN 1964), Bí thư chi bộ bản Hữu Văn, xã Châu Kim.
Mùa này bản Hữu Văn vẫn lạnh tái tê, sương mờ giăng giăng như hòa lẫn với màu trắng tinh khôi của hoa ban nở bừng bừng khắp núi rừng.
Câu chuyện về cuộc đời anh Chung được tái hiện từ chính ký ức của “khổ chủ” sau khi đã uống hết một sừng rượu cần. Rượu cần của người Thái nổi tiếng thơm ngon và ngọt dịu.
Hồi ức của anh Chung đưa khách ngược về những năm cuối thập niên 90, khi cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Quế Phong cũng bộn bề khó khăn.
Bí thư chi bộ Lô Văn Chung trao đổi với công an huyện và xã về việc giúp đỡ các đối tượng nghiện tái hòa nhập |
Cuộc sống chủ yếu dựa vào nguồn lực trong rừng, nhưng đều bấp bênh bữa được, bữa không nên cái ăn vẫn chưa đủ no, áo vẫn chưa đủ ấm…
Thời đó, người dân trong bản vùng sâu, vùng xa rộ lên phong trào sang Lào buôn bán, với lợi thế về ngôn ngữ và có biên giới tiếp giáp Lào nên việc đi Lào cũng hết sức dễ dàng. Chỉ cần băng qua những cánh rừng, bên kia là đất của Lào để trao đổi, mua bán.
Lô Văn Chung cũng là một trong những người theo số đông thanh niên trai tráng “xuất ngoại” để kiếm tiền. Những chuyến hàng đầu tiên “thuận buồm xuôi gió”, anh đem được kha khá tiền về cho vợ con nên ai nấy cũng mừng ra mặt.
Của cải trong nhà cũng được mua sắm thêm nhiều, con cái cũng có cơm ăn, áo mặc cũng đủ ấm hơn so với trước…
Chẳng lâu sau đó, những chuyến hàng anh sang Lào trở về ít tiền hơn và rồi không mang được đồng nào để nuôi vợ con. Nguyên nhân là vì anh đã theo nhóm bạn chơi ma túy khi sang Lào làm ăn.
“Những lần đầu thấy anh em hút ma túy thì tui cũng tránh ra vì cũng chưa hút khi nào, cũng không có ý định hút. Dần dần sau này, những chuyến đi dài ngày, xa gia đình, vợ con nên cũng buồn, bạn bè lôi kéo “làm liều cho biết”. Không để “mất mặt” trước bạn bè tui cũng tặc lưỡi: “ừ thì thử một lần cho biết”, anh Chung nhớ lại.
Thế rồi, sau cái lần “thử cho biết” đó, anh Chung lại thêm vài lần nữa vì “hút ít thế cũng chẳng nghiện được đâu”, nên số lần chơi ma túy dày thêm, anh nghiện tự khi nào không hay, gia đình không hề biết.
Thế rồi, số tiền kiếm được trong những lần buôn bán đều được đổ vào mua ma túy, sau đó là của cải trong nhà cũng được bán đi để “xài” ma túy. Gia đình, vợ con từ chỗ có cơm ăn đến chẳng còn gì để ăn, từ chỗ của cải khá giả trở nên không còn thứ gì quý giá.
Đoạn tuyệt ma túy, trở thành bí thư chi bộ
Ma túy đã lấy đi của gia đình anh sự ấm no, hạnh phúc. Từ khi anh mắc nghiện, gia đình anh đã thiếu vắng tiếng cười. Mặc cho vợ con nheo nhóc không đủ ăn, anh cũng không quan tâm đến bởi anh chỉ cần ma túy để thỏa mãn cơn nghiện.
Cuộc sống của gia đình anh kéo dài gần 5 năm trong đói nghèo, một mình vợ làm không đủ nuôi sống cả gia đình…
Đến năm 1994, Quế Phong triển khai cuộc vận động cai nghiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, được sự động viên của gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương, Chung cũng đã nghĩ đến việc mình nghiện ma túy khiến vợ con khổ như thế nào nên quyết tâm đăng ký đi cai nghiện.
“Khi nghe mọi người khuyên đi cai nghiện, ban đầu cũng không muốn đi vì nghĩ đến ma túy là không cầm lòng được, nhưng cũng không có tiền để hút, và nghĩ đến vợ con, đến gia đình phải khổ sở như thế nào, nghĩ đến gia cảnh rơi vào túng quẫn cũng do mình nên tui quyết tâm đi cai nghiện làm lại cuộc đời”, anh Chung nói.
Được sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm cai nghiện và nỗ lực bản thân, anh Chung đã cắt được cơn nghiện, hàng năm trời sau đó anh phải “ở ẩn” tránh bị bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ để đoạn tuyệt với ma túy và lấy lại được sức khỏe.
Ngày anh cai nghiện thành công, nhìn cảnh vợ con thiếu đói nheo nhóc vì tài sản trong nhà đã tan tành vì ma túy trước đó, lòng anh đau thắt và anh quyết tâm phải làm lại cuộc đời. Anh cùng vợ đi làm rừng, làm nương rẫy, xây chuồng trại chăn nuôi.
Với sự chăm chỉ, chịu khó và tiết kiệm, cuộc sống của gia đình anh đã được cải thiện dần, vợ con rất vui khi anh đã nhận ra được chân lý cuộc sống.
Năm 1998, anh Chung được xem là điển hình trong việc tự cai nghiện của địa phương, được bà con dân bản tin tưởng bầu làm công an viên. Ban đầu cũng hơi e ngại, nhưng được sự động viên của quần chúng và chính quyền, anh đã hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc.
Với những bài học xương máu từ bản thân mình, anh Chung vận động, khuyên nhủ và giúp đỡ hàng chục người cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời; đồng thời phối hợp với chính quyền có biện pháp đưa nhiều đối tượng đi cai nghiện tập trung…
Năm 2002, với những việc làm được dân bản tin yêu, anh Chung vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, bà con tín nhiệm bầu anh làm Trưởng bản từ năm 2012. Cũng từ năm 2012 đến nay, anh giữ chức Bí thư chi bộ bản Hữu Văn.
Là một người chăm chỉ, có kỷ luật, thấu hiểu dân bản và chịu khó tìm hiểu những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng với dân bản xây dựng địa bàn “sạch” về ma túy, bản Hữu Văn là bản có số người liên quan đến ma túy ít nhất huyện Quế Phong.
Anh cũng rất quan tâm đến những người mới cai nghiện ma túy trở về tái hòa nhập, luôn tìm tòi và ứng dụng khoa học vào đời sống, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, từ bỏ các hủ tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
Nói về anh Lô Văn Chung, Thượng tá Bùi Minh Quang, Phó Trưởng Công an huyện Quế Phong chia sẻ: “Bí thư Chung là gương sáng trong việc tái hoà nhập cộng đồng, không những dứt bỏ hẳn ma túy mà còn giúp đỡ nhiều người nghiện trong bản cai nghiện, tránh xa ma túy.
Bản Hữu Văn bây giờ có số người nghiện ma túy ít nhất toàn huyện, đây cũng là một trong những công lao, đóng góp của Bí thư Chung”.
(Theo Pháp luật VN)