Chia sẻ với báo chí, về Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những điểm mới, trọng tâm của Nghị quyết đã được nêu rất rõ trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW vào ngày 15/4/2022, do vậy ông chỉ xin nhấn mạnh và cụ thể hoá thêm một số điểm.

Một là, Nghị quyết số 11-NQ/TW đặt sự phát triển của vùng trong tổng thể phát triển của quốc gia. Sự phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ không thể tách rời sự phát triển của quốc gia, chịu sự chi phối và có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với phát triển quốc gia. Mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết là sự cụ thể hoá tầm nhìn, mục tiêu phát triển được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng; thể hiện tính xã hội chủ nghĩa trong phát triển vùng.

Phát triển toàn diện là sự phát triển với người dân là trung tâm, người dân là mục tiêu và là động lực của sự phát triển.

Nghị quyết đưa ra tầm nhìn phát triển vùng đến năm 2045 “là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường”. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Phát triển xanh và bền vững đòi hỏi từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của vùng.

Phát triển toàn diện là sự phát triển với người dân là trung tâm, người dân là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Đó là sự phát triển đảm bảo sự bình đẳng không chỉ trong thụ hưởng các thành quả của phát triển mà còn cả trong cơ hội tham gia vào quá trình phát triển, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa vùng với các vùng khác; giảm nghèo bền vững và đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Đây chính là tính xã hội chủ nghĩa trong phát triển vùng.

Hai là, Nghị quyết số 11-NQ/TW đưa ra yêu cầu về thống nhất nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển và liên kết vùng. Để thực hiện được tầm nhìn và mục tiêu đặt ra, trước hết cần tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng người dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với đảm bảo quốc phòng, an ninh; môi trường, sinh thái và khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cả nước.

Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, cần đổi mới tư duy phát triển, nhất là tư duy về liên kết vùng (Ông cha ta đã từng nói, “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, “một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”); tư duy về cơ chế chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực và về tiềm năng lợi thế. Trong đó, “Tư duy về liên kết vùng” cần phải là tư duy chủ đạo, kết nối và dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng theo một cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả nhằm thống nhất về nhận thức và định hướng phát triển vùng, huy động hiệu quả nguồn lực và tăng lợi thế nhờ quy mô; tránh được tình trạng cát cứ, phân mảng, cạnh tranh không lành mạnh, dàn trải trong đầu tư và lãng phí nguồn lực.

Ba là, Nghị quyết số 11-NQ/TW yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải có trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết xác định 02 khâu đột phá trong phát triển vùng là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là 02 khâu đột phá phù hợp với các đột pháp chiến lược được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 02 đột phá này sẽ giúp cho vùng khắc phục được những điểm yếu, những nút thắt trong phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để vùng có thể khai thác, phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững. Thêm vào đó, trong bối cảnh trình độ phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều nhau, để phát huy mạnh mẽ lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và tạo tác động lan toả, tích cực đối với toàn vùng Nghị quyết còn đặt ra nhiệm vụ phát triển các khu vực kinh tế động lực và các cực tăng trưởng.

Bốn là, Nghị quyết số 11-NQ/TW yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải gắn với phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển văn hoá vùng cần theo hướng toàn diện, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; để văn hoá vùng thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng.

Năm là, Nghị quyết số 11-NQ/TW coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và rừng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng. Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao và rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng, kể cả trong lịch sử bảo vệ đất nước và hiện tại. Bảo vệ và phát triển rừng hay giữ được rừng là giữ được đất và nước; giữ được môi trường sinh thái. Giữ được rừng là giữ được truyền thống văn hoá và lịch sử; giữ được dân; bảo đảm được quốc phòng, an ninh. Giữ được rừng là tạo được cơ hội để người dân sống được bằng rừng và hướng tới làm giàu từ rừng, khắc phục nghịch lý “càng trồng được nhiều rừng, càng nghèo”.

Sáu là, Nghị quyết số 11-NQ/TW yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biên cương của Tổ quốc. Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh của vùng là: “Phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân…. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch”. Đây cũng chính là sự cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ “đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu và thường xuyên”.

Diệu Thúy, Thu Hà, Hồng Hạnh