Có nhà báo Việt Nam khi đến Ixrael đã thốt lên “Miền trung Việt Nam với những dải đất bạc màu và đồi cát, hóa ra vẫn còn là miền đất trù phú…”

Cách nay gần một năm, trong buổi họp báo khánh thành công trình nhà tre nứa lá lớn nhất Việt Nam tại Đà Nẵng, có người hỏi vị kiến trúc sư thiết kế công trình đại ý: liệu nhà đầu tư có tính đến sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai khi vùng này từng chứng kiến những cơn bão lớn đổ bộ gây thiệt hại rất lớn về người và của?

Vị kiến trúc sư bình thản trả lời rằng, không có nhà đầu tư nào khi bỏ ra cả nghìn tỷ đồng mà không tính toán, xem xét mọi việc liên quan. Riêng tôi khẳng định, Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung không phải là nơi thường xuyên có thiên tai, thời tiết bất thường. Mọi người hãy nhìn ra trên thế giới, nhiều nơi vô cùng khắc nghiệt nhưng con người vẫn kiên cường chống chọi và vượt qua…

Không ai phản đối cũng như hỏi thêm vị kiến trúc sư. Tôi ngồi nghe và thấy hình như quê mình liên quan đến điều đó rất nhiều…

***

Quê tôi ở vùng gió lào cát trắng.

Như nhiều người khác, tôi được chứng kiến, được truyền lại và tin rằng, chỉ quê mình mới là nơi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nhất đất nước này. Không chỉ tin mà tôi nhớ vô cùng rành mạch câu thơ nổi tiếng “Gió lào thổi rạc bờ tre”[1], nhớ bản thân mình đã “rạc” đi như thế nào hồi những năm 80 thế kỷ trước đạp xe ngược gió từ Vinh theo Quốc lộ 46 bây giờ (tất nhiên hồi đó đường đầy ổ gà, ổ trâu gập ghềnh khấp khểnh) lên Nam Đàn để báo tin cho gia đình người bạn thân bị ốm đang điều trị ở bệnh viện tỉnh. Gần đến nơi, đến đi bộ tôi cũng không thể bước tiếp vì rã rời, vì nắng gió.

Tôi cũng nhớ như in năm 1989 quê tôi 10 ngày 3 cơn bão lớn. Ở nhà tập thể, bão cấp 12 giật tung cả một mảng ngói, tôi bế đứa con gái đầu lòng chưa đầy tuổi nép vào góc nhà, hốt hoảng nhìn trời thông thống gió mây vần vũ.

Cha tôi kể trận lụt lịch sử năm 1954 cả làng chìm nghỉm. Trận lụt còn “lịch sử” hơn năm 1978, lúc tôi mới ra Hà Nội học, người và gia súc gia cầm leo hết lên Hòn Dài, Hòn Xã tránh biển nước. Sau lụt mấy tháng, làng mới hết mùi giun chết, cóc chết, giếng làng mới trong ngọt trở lại…

Có lần đi công tác ở vùng Lâm Đồng – Đồng Nai, xe chạy bon bon qua những cánh rừng cà phê, cao su “xanh tận chân trời”, lá xanh non ướt vẫy, tôi cứ thầm mơ bao giờ quê mình được trời đất ưu đãi đủ nước, đủ màu mỡ cho cây trái sum suê, ngọt lành như thế.

Nhưng gió lào, nắng hạn ròng rã cả tháng 6, tháng 7 rồi bão lốc bất thần ập đến, cây trái nào sống qua được cũng còi cọc, vàng vọt. Không chỉ ở làng quê, ngay ở phố nơi cây xanh đô thị được vun trồng có hệ thống thì cũng thật khó để tìm ra nguyên vẹn một hàng cây cổ thụ đầy bóng mát hay một nhà hàng hoa nào thật sự tươi màu, đẹp như ý muốn của mọi người…

{keywords}

Ruộng ngô tại Nghệ An chết khô, không thể thu hoạch vì nắng hạn vào tháng 6. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

***

Ở vùng  đất “10 ngày 3 cơn bão lớn”, từ bão số 6, số 7 trở đi thế nào cũng ập vào miền eo thắt Trung Bộ nên người quê tôi không xa lạ gì chuyện phòng chống bão lụt, “phương án 4 tại chỗ”, chuyện dự báo nơi này bão đổ bộ nơi kia và hậu bão, đuôi bão có khi còn gây hại nặng nề hơn chính bão bởi mưa lụt, lũ ống lũ quét khi chủ quan, lơ là.

Nghe mãi, chứng kiến mãi, tôi chợt nhận ra rằng, mọi cơn bão xuất hiện trên Biển Đông đều khởi nguồn từ đảo Luzong – Philippines và kinh khủng hơn, đất nước này tính bình quân mỗi năm hứng chịu 23 cơn bão lớn, từ cấp 12 trở lên!

Năm ngoái, bạn tôi theo học một khóa tiếng Anh tại thành phố Cebu – Philippines và lại đúng vào thời điểm siêu bão Haiyan đổ bộ vào đất nước này. Cả nhà bạn như ngồi trên đống lửa, có gì như ân hận, như mình vừa mắc sai lầm.

Nhưng bạn tôi điện thoại về bình thản lạ lùng. Anh ấy bảo, mọi việc ở đó thành “nếp” rồi, các cơ quan, công sở, trường học có đủ các phương án phòng chống. Tuy nhiên, khu vực dân cư phức tạp hơn, việc quản lý, hướng dẫn… hình như không giống bên nhà.

Rất may siêu bão không vào Cebu, nơi bạn tôi trọ học. Tan bão, nhóm các bạn học người Việt, Nhật, Trung, Nga… cùng các thầy cô giáo tổ chức đi trao quà cứu trợ ở Bogo. Trước đó, câu chuyện buồn về cảnh cướp phá hàng cứu trợ ở Tacloban đã khiến nhiều người lo lắng cho chuyến đi. Mọi chuyện hóa ra an toàn, tốt đẹp. Bạn tôi có những trải nghiệm vô cùng thú vị với người dân Philippines chuyên “sống chung với bão”.

Bạn tôi kể rằng, quê ta cũng bão gió, nhưng ở đây khắc nghiệt và khó khăn hơn nhiều. Người dân nơi đây phải đối diện với rất nhiều thử thách cam go nhưng họ bình thản vượt qua. Không thấy ai kêu ca, phàn nàn. Họ vui vẻ nói lời cảm ơn chân thành khi đón nhận những món hàng cứu trợ từ khắp nơi trên thế giới và vô cùng ngạc nhiên khi thấy có người Việt Nam đến với họ. Đơn giản, họ suy nghĩ rằng, Việt Nam cũng phải thường xuyên hứng chịu bão gió từ Biển Đông, cũng cây đổ, nhà tốc mái, nước dâng khủng khiếp…

Năm 2010, tôi có dịp đến thăm đất nước Ixrael để tìm hiểu về phát triển nông nghiệp, được tham quan các khu trồng trọt và chăn nuôi của nước bạn, được đi qua vùng sa mạc cằn khô để đến vùng Biển Chết.

Đất nước Ixrael có diện tích khoảng 20.000 km2, chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An “gió lào thổi rạc bờ tre” chút ít. Phần lớn diện tích là hoang mạc bởi lượng mưa hàng năm bình quân trên dưới 200 mm, nơi thấp nhất chỉ đạt từ 20-50 mm. Nhiệt độ bình quân ban ngày lên tới 40 độ C, ban đêm 25 độ C, mùa đông nhiệt độ ban ngày  21 độ C, ban đêm 3- 8 độ C.

{keywords}
Công nghệ tưới phun của Ixrael được sử dụng hiệu quả để trồng cao su trên vùng đất vốn là rừng khộp khô nóng tỉnh Ateuper - nam Lào. Ảnh: Châu Phú

Dẫn những con số trên để thấy Ixrael mới thực sự là nơi thiên tai khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Vậy nên có nhà báo Việt Nam khi đến đây đã thốt lên “Miền trung Việt Nam với những dải đất bạc màu và đồi cát, hóa ra vẫn còn là miền đất trù phú…”[2]

Thật vậy sao?

Vị kiến trúc sư nọ, khi nói về thiên tai khí hậu khắc nghiệt ở nhiều nơi trên thế giới, phải chăng muốn nói đến nơi này, nơi có những “kỳ tích trên hoang mạc” mà nhiều người trên thế giới đã biết, đã vô cùng khâm phục và đang cố gắng học hỏi, làm theo?

(còn tiếp)

Châu Phú

------

[1] Thơ Nguyễn Bùi Vợi
[2] Nông nghiệp Israel, kỳ tích trên hoang mạc, VnEconomy, 26/12/2011.