Chuyến bay combo

Từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, chính phủ nhiều nước đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế. Những quy định mới và chặt chẽ về nhập cảnh nhằm ứng phó với dịch bệnh đã khiến cho số lượng chuyến bay thương mại giảm thiểu, dẫn đến tình trạng công dân nhiều nước bị “mắc kẹt” ở nước ngoài.

Ngay khi dịch bệnh có những dấu hiệu bùng phát ở nhiều nước, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhanh chóng thực hiện các “chuyến bay giải cứu” nhằm đáp ứng nhu cầu về nước của công dân. Những “chuyến bay giải cứu”, cũng còn được gọi là những “chuyến bay nhân đạo”, đầy tình người vì hành khách chỉ phải thanh toán tiền vé máy bay cùng một số chi phí cách ly sau khi nhập cảnh.

Tuy nhiên, do nhu cầu ngày càng tăng cao cho nên từ tháng 11.2020, những chuyến bay combo đã được thực hiện song hành cùng những chuyến bay giải cứu. Chuyến bay combo là những chuyến bay do doanh nghiệp triển khai để đưa những công dân tự nguyện trả phí trọn gói về nước và thực hiện cách ly y tế. 

Về bản chất, chuyến bay combo là một giao dịch thương mại cho nên sự phục vụ cũng như mức chi phí phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân và thị trường, chứ không cố định như chuyến bay giải cứu.

Chuyến bay combo là hình thức Nhà nước sử dụng cơ chế thị trường, cho phép các chủ thể tư nhân cùng chia sẻ trách nhiệm, được tham gia phục vụ lợi ích Công. Ảnh: Nam Khánh

Để được tiến hành những chuyến bay combo, doanh nghiệp cần nhận được sự phê chuẩn của các cơ quan Nhà nước, từ trung ương tới địa phương. 

Cụ thể, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì công tác bảo hộ công dân, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay, báo cáo và trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt các chuyến bay. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận, thẩm định năng lực, điều kiện của các doanh nghiệp; cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tập hợp danh sách công dân có nhu cầu về nước để báo cáo Cục Lãnh sự xét duyệt. UBND các tỉnh/thành phố là nơi tiếp nhận hồ sơ, chấp thuận chủ trương cách ly.

Trong điều kiện bình thường, nhu cầu đi lại của cá nhân có thể được đáp ứng dễ dàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng thì việc thỏa mãn những lợi ích cá nhân đó dựa trên các quan hệ thị trường có thể xâm phạm lợi ích công, tức là đe dọa sự an toàn sức khỏe của cộng đồng người dân trong nước.

Trách nhiệm và bổn phận phục vụ lợi ích công trước hết thuộc về các cơ quan Nhà nước. Vì thế, chuyến bay combo là hình thức Nhà nước sử dụng cơ chế thị trường, cho phép các chủ thể tư nhân cùng chia sẻ trách nhiệm, được tham gia phục vụ lợi ích Công. Đây chính là điểm mấu chốt có thể dẫn đến nhiều hệ lụy do xung đột giữa bảo vệ lợi ích Công và thỏa mãn lợi ích Tư.

Lợi ích Công và lợi ích Tư

Hiểu đơn giản thì lợi ích tư là những nhu cầu của các chủ thể cá nhân hoặc tổ chức mà họ có thể tự đáp ứng dựa trên năng lực bản thân, quy luật thị trường và xã hội. Trong khi đó, lợi ích công là những nhu cầu mang tính tập thể của những nhóm công chúng khác nhau mà bản thân mỗi thành viên nhóm không thể tự đáp ứng. Vì thế, để phục vụ các lợi ích công thì cần sự can thiệp của các chủ thể công, cụ thể là các cơ quan Nhà nước.

Liên quan đến các chuyến bay đưa công dân về nước trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chúng ta thấy có hai lợi ích công cần được phục vụ và bảo vệ. Thứ nhất, nhu cầu hồi hương của những nhóm công dân đang ở nước ngoài. Thứ hai, sự an toàn sức khỏe cộng đồng ở trong nước trước nguy cơ lây lan dịch bệnh từ những người mới về nước. Thách thức nan giải là nếu sử dụng cơ chế thị trường thông thường để đáp ứng lợi ích Công thứ nhất thì có thể lại xâm phạm lợi ích Công thứ hai.

Trong tình huống nêu trên, để có thể phục vụ và bảo vệ được cả hai lợi ích Công thì biện pháp tốt nhất là các cơ quan Nhà nước sẽ trực tiếp thực hiện trọn gói việc đưa đón và cách ly công dân từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, các chủ thể Nhà nước sẽ đối diện với vấn đề muôn thuở đó là: những giới hạn về năng lực và nguồn lực trong khi nhu cầu của cá nhân công dân ngày càng lên cao, đa dạng, và phân bố ở nhiều nước khác nhau.

Nhan đề nêu trên chính là động lực cho sự chấp nhận các chuyến bay combo mà về thực chất là sự dung hòa giữa lợi ích Công và lợi ích Tư. Nhà nước bảo vệ lợi ích Công thông qua việc cấp phép chuyến bay và kiểm soát việc thực hiện cách ly y tế. Các doanh nghiệp sẽ đáp ứng các lợi ích Tư đa dạng bằng việc đảm trách nhiệm vụ vận chuyển công dân về nước và tiến hành cách ly dựa trên các quan hệ thị trường.

Ưu điểm dễ thấy nhất của các chuyến bay combo, một sự kết hợp giữa cơ chế hành chính và cơ chế thị trường, là có thể tận dụng được mọi nguồn lực sẵn có của các doanh nghiệp để linh hoạt đáp ứng nhanh nhất, chất lượng cao nhất có thể đối với mọi nhu cầu đa dạng của cá nhân công dân. Kết quả là, tính đến hết tháng 1/2022, đã có tất cả hơn 1.000 chuyến bay, đưa được hơn 200.000 công dân về nước.

Tiêu cực đã xảy ra với các chuyến bay combo là một sự xâm phạm lợi ích công thứ nhất, tức là lợi ích của những công dân có nhu cầu về nước. Ảnh: Nam Khánh 

Tuy nhiên, nhược điểm thứ nhất với các chuyến bay combo bắt nguồn từ chính nguyên tắc hoạt động của các chủ thể tư nhân: họ có thể tìm mọi cách để bảo đảm, thậm chí tranh thủ tối đa hóa lợi nhuận trước một nhu cầu đang gia tăng. Nhược điểm thứ hai bắt nguồn từ cơ chế hành chính của việc cấp phép chuyến bay và cách ly y tế: cán bộ công quyền có thể lạm dụng thẩm quyền của mình để ưu ái doanh nghiệp theo lợi ích cá nhân, nhóm thiển cận, xa rời bổn phận phục vụ lợi ích công.

Thực tế, tiêu cực đã xảy ra với các chuyến bay combo là một sự xâm phạm lợi ích công thứ nhất, tức là lợi ích của những công dân có nhu cầu về nước. Theo thông báo mới nhất của Bộ Công an, hiện có 54 bị can bị truy tố và một bị can bị truy nã với các tội danh đa dạng, như “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài một bị can được xác định là lao động tự do, 54 bị can còn lại đều là cán bộ đang làm việc tại Bộ Ngoại giao và các cơ quan Nhà nước tại một số tỉnh, thành phố.

Những bài học quản trị

Những chuyến bay combo thời đại dịch chỉ là một trong vô vàn dạng thức hợp tác giữa chủ thể Nhà nước và chủ thể Tư nhân để phục vụ lợi ích công. Những gì diễn ra với các chuyến bay combo gợi ra một số bài học quản trị công:

Thứ nhất, các cơ quan Nhà nước vẫn là những chủ thể giữ vai trò then chốt, quyết định nhất đối với việc phục vụ và bảo vệ lợi ích Công, đặc biệt là trong những tình huống bất thường. Do đó, trong khả năng có thể về nguồn lực, chúng ta cần chuẩn bị những phương án, kịch bản đa dạng cho tương lai, để các chủ thể công có thể luôn sẵn sàng thực thi trọn vẹn bổn phận của mình trong bất kỳ tình huống nào.

Thứ hai, sự tham gia phục vụ lợi ích Công của các chủ thể tư nhân là cần thiết và tất yếu, cả trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Tuy nhiên, điều chúng ta cần ý thức từ sự tham gia của các chủ thể tư nhân là sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ lợi ích Tư có thể được coi trọng hơn lợi ích Công, từ đó dẫn đến những tiêu cực, xâm phạm lợi ích Công.

Thứ ba, để có thể bảo vệ được lợi ích Công khi có sự tham gia của các chủ thể tư nhân thì cần tiếp tục hoàn thiện quy trình, quy định, bảo đảm sự rõ ràng, công khai, minh bạch, cũng như khả năng giám sát chặt chẽ, sớm phát hiện những biểu hiện tiêu cực.

Thứ tư, khả năng phục vụ và bảo vệ các lợi ích công trong những tình huống bất thường sẽ có ảnh hưởng rất mạnh và lâu dài đến lòng tin của người dân đối với các chủ thể công và thể chế công. Vì thế, cần xác định quan điểm nhất quán là giữ gìn và vun đắp lòng tin chính trị luôn là ưu tiên số một trong việc ứng phó với những tình huống bất thường.

Nguyễn Văn Đáng