Jackson Palmer là một doanh nhân người Úc và nhà công nghệ nổi tiếng với việc tạo ra trò đùa về tiền mã hóa thành công vang dội Dogecoin. Hiện tại ông đang làm việc tại San Francisco với vai trò là giám đốc sản phẩm, nhưng vẫn rất quan tâm về thị trường tiền mã hóa. Jackson hiện đang nắm giữ hàng loạt đồng tiền mã hóa khác nhau, bao gồm cả Dogecoin với trị giá chưa tới 50 USD.
Nhưng trò đùa thành công nhất thị trường tiền mã hóa này cũng cho thấy nơi này đang trở nên kỳ quặc như thế nào. Dưới đây là lời kể của anh:
Khi tôi đăng đùa dòng tweet về việc “đầu tư vào Dogecoin” vào cuối năm 2013, tôi không bao giờ hình dung được rằng đồng tiền mã hóa như trò đùa này lại tồn tại đến tận năm 2018, với giá trị thị trường có lúc đạt đến hơn 2 tỷ USD.
Năm ngoái đã chứng kiến sự quan tâm và đầu tư bùng nổ vào tiền mã hóa trên mọi lĩnh vực, vì vậy hẳn nhiều người cho rằng năm 2017 là năm tốt nhất đến nay cho tiền mã hóa. Nhưng tôi cảm thấy rằng, thật thiển cận khi cho rằng đà tăng trưởng bùng nổ này sẽ trở nên bền vững – trên thực tế, tôi cảm thấy 2017 là năm tồi tệ nhất của tiền mã hóa. Để hiểu tại sao, hãy nhìn lại đồng tiền mã hóa mà tôi tạo ra như một trò đùa trước đây.
Trò đùa trong thế giới đầy cạm bẫy và hiểm nguy của tiền mã hóa
Dogecoin khởi đầu như một trò đùa nhại lại vô số các đồng tiền mã hóa thay thế (các altcoin) đang tràn ngập thị trường vào lúc đó. Khi mối quan tâm tới Dogecoin gia tăng thông qua mạng xã hội và một cộng đồng bàn tán sôi nổi trên Reddit, nó trở thành một cổng thông tin giáo dục cho nhiều người để bước chân lần đầu vào thế giới tiền mã hóa do có giá thấp và một cộng đồng cởi mở.
Năm 2013, tầm nhìn về tương lai cho tiền mã hóa dường như trở nên tương đối rõ ràng: thông qua sự phi tập trung hóa, nó mang lại một sự thay thế ngang hàng cho tiền mặt, khi niềm tin vào các tổ chức tài chính đã mất đi sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Bitcoin, đồng tiền khởi xướng cho phong trào tiền mã hóa ra mắt năm 2009, mang lại sự đổi mới thực sự về công nghệ để đạt được tầm nhìn đó. Lúc đó tôi hy vọng rằng, với sức mạnh từ cộng đồng, một dự án như Dogecoin có thể giúp thúc đẩy sự nhận thức và đổi mới công nghệ đó xa hơn nữa.
Tuy nhiên, như tôi nhanh chóng nhận ra, một cộng đồng đầy đam mê lao vào những đồng tiền này cũng giống như mồi máu cho những con cá mập – những kẻ lừa đảo và cơ hội. Chính những kẻ này, trong năm 2014, cũng đã nhắm đến cộng đồng Dogecoin và lấy đi hàng triệu USD từ các thành viên của mình.
Vào năm 2015, sức sống của cộng đồng đã thay đổi – những người bị bọn lừa đảo hút máu đã dần biến mất và mối quan tâm của cộng đồng với Dogecoin đã giảm xuống, cũng như giá của nó theo USD. Cùng thời điểm đó, sự tin tưởng vào Bitcoin lại rung chuyển: các vụ hack và lừa đảo chiếm lĩnh các bản tin, và tốc độ chấp nhận của các thương gia không đạt được tăng trưởng như dự báo.
Bất chấp các sự kiện này, những khoản tiền khổng lồ của các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn được rót vào các công ty tiền mã hóa non trẻ, vốn chỉ được hậu thuẫn bằng các trang web đẹp mã mà không có một mô hình kinh doanh rõ ràng nào.
Do vậy vào năm 2015, tôi quyết định sẽ rút lui khỏi Dogecoin và tiền mã hóa nói chung. Tôi trao lại việc phát triển Dogecoin cho một nhóm các thành viên cộng đồng mà tôi tin tưởng. Một điều cần làm rõ rằng, vào lúc đó bất kỳ đồng Dogecoin nào tôi nắm giữ, đều được gửi tới các quỹ từ thiện và tôi chẳng kiếm được chút lợi nhuận nào từ dự án tiền mã hóa của mình.
2017 - điểm khởi đầu của bong bóng tiền mã hóa
Tôi thấy lĩnh vực này đang bị những kẻ cơ hội lợi dụng để kiếm tiền, chứ không phải những người đầu tư vào việc phát triển công nghệ. Trong hai năm tiếp theo đó, tôi chỉ theo dõi nó từ xa. Những gì tôi nhận thấy đang có một sự dịch chuyển từ việc phát triển công nghệ cốt lõi cho những mạng lưới này thành việc khoe khoang các dự án mới gắn kèm với chữ blockchain bất cứ khi nào có thể.
Có một câu nói nổi tiếng trong giới tài chính rằng: “Khi nào đến tài xế taxi của bạn cũng nói về việc mua cổ phiếu, bạn sẽ biết đó là lúc nên bán.” Về cơ bản khi một người ít kinh nghiệm với thị trường chứng khoán còn đưa ra lời khuyên cho bạn, đó là dấu hiệu cho thấy thị trường đó đã trở nên tồi tệ. Đầu 2017, khi các tài xế Uber của tôi bắt đầu nói về Ethereum, tôi biết rằng chúng ta đang bước vào một thời kỳ đầu cơ tiền mã hóa mới.
Không có ví dụ nào minh họa xu hướng này tốt hơn “ICO” hay Initial Coin Offering. Năm 2017, hàng nghìn công ty non trẻ đã kiếm được hơn một tỷ USD nhờ trao đổi lấy các token ảo mà người mua có thể bán lại chúng ngay lập tức trên thị trường thứ cấp – thường là với lợi nhuận lớn.
Tôi bắt đầu hồi tưởng lại những vụ gian lận cùng thời với Dogecoin. Ví dụ, một token có tên PlexCoin đã huy động được gần 15 triệu USD trong một vụ ICO vào năm ngoái, trước khi các nhà quản lý tại Mỹ và Canada đóng băng tài sản của nhà sáng lập và tống anh ta vào tù.
Những lo ngại đó đã khiến tôi quay lại sân chơi tiền mã hóa để giúp rèn luyện cho các các đồng nghiệp, bạn bè và gia đình tôi, những người đang hỏi tôi rằng liệu mình có nên rót tiền vào thị trường tiền mã hóa hay không. Hy vọng rằng, nếu tôi làm tốt việc của mình, họ sẽ hiểu tốt hơn về các cạm bẫy tiềm ẩn trong đó.
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến quả bong bóng tiền mã hóa đã phình to lên tới hơn 700 tỷ USD, phần lớn là vì các hoạt động đầu cơ. Dường như mỗi ngày lại có thêm một bài viết về một thiếu niên mới 20 tuổi thành triệu phú nhờ Bitcoin. Hoặc với đồng tiền tôi tạo ra – Dogecoin – một đồng tiền không nhận được bản cập nhật nào từ năm 2015 cho đến nay nhưng có lúc giá trị vốn hóa đạt tới hơn 2 tỷ USD.
Giá trị của Dogecoin là kết quả của một thị trường cuồng loạn đã dẫn tới việc các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mua vào các tài sản giá rẻ với mong muốn chúng sẽ đi theo quỹ đạo tương tự như Bitcoin. Sự nhiệt tình không hợp lý này, cùng với những người chơi lớn đang thao túng thị trường không được điều tiết này, đã dẫn tới chu kỳ thăng giáng xảy ra hàng tuần với mỗi tài sản mã hóa.
Trong khi cộng đồng Dogecoin trên Reddit gần đây đã có sự tham gia tích cực hơn, phần lớn các cuộc thảo luận dường như chỉ xoay quanh việc giá USD và đầu cơ để chờ xem khi nào nó sẽ tăng lại lần nữa.
2017 - thời điểm Bitcoin lại hợp tác với những tổ chức mà nó từng muốn tiêu diệt trước đây
Thật tuyệt vời khi thấy mọi người đang phấn khích về tiền mã hóa, nhưng việc tiếp tục chú ý đến giá cả và khả năng “làm giàu nhanh chóng” sẽ làm những dự án như Bitcoin chệch hướng khỏi các mục tiêu tốt đẹp ban đầu của mình. Quan trọng hơn nữa là công nghệ nền tảng cho chúng vẫn đang đối mặt với các thách thức kỹ thuật liên quan tới việc mở rộng quy mô.
Trong khi tâm lý FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ điều gì đó) thúc đẩy các nhà đầu tư nghiệp dư vội vã ném tiền vào các kế hoạch ICO của “blockchain cho X” gì đó với hy vọng sẽ có lợi nhuận gấp đôi, số lượng các thương gia chấp nhận Bitcoin lại đang sụt giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Gần đây, các hãng lớn như Microsoft và sàn giao dịch trò chơi Steam đã loại bỏ tùy chọn thanh toán bằng Bitcoin trong cửa hàng trực tuyến của họ.
Cùng lúc đó, dường như các nguyên tắc cơ bản ban đầu của Bitcoin lại đang dần trở nên phai nhạt. Chúng ta thấy tiền rót vào ngành công nghiệp này đang đến từ các tổ chức đầu tư lớn, và các hợp đồng tương lai của Bitcoin đã bắt đầu được giao dịch trên phố Wall. Điều đó khiến tôi tự hỏi: những gì đã diễn ra liệu có loại bỏ được các tổ chức tài chính mục nát ra khỏi đời sống được không?
Với giá cả tăng vọt và những lời cường điệu từ giới truyền thông, mọi người có xu hướng cho rằng 2017 là năm tốt nhất cho tiền mã hóa, nhưng tôi lại thấy điều ngược lại. Theo nhiều cách, năm 2017 đánh dấu thời điểm tiền mã hóa không còn là một đổi mới công nghệ về tiền ngang hàng và thay vào đó, nó trở thành một thị trường cổ phiếu penny (các cổ phiếu nhỏ) mới mẻ và không được kiểm soát. Năm 2017 cũng là năm Bitcoin bắt đầu cộng tác với những tổ chức, vốn nó từng tìm cách loại bỏ, để tìm kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, tôi không thể cho rằng trò chơi đã kết thúc với tiền mã hóa. Rất khó dự đoán được bong bóng tiền mã hóa hiện nay sẽ tăng lên đến bao giờ, hay khi nào nó nổ. Nhưng câu hỏi cháy bỏng trong tâm trí tôi lúc này là: Liệu khi bong bóng giá tiền mã hóa phát nổ và mất đi toàn bộ sự cường điệu, cộng đồng còn có thể phục hồi lại năng lượng cần thiết để xây dựng nên một công nghệ thực sự sáng tạo lần nữa hay không?
Đến hiện tại, chỉ vài tháng sau bài viết của Palmer, giá Bitcoin đã tụt xuống chỉ còn dao động quanh mức 7.300 USD, giá trị vốn hóa toàn thị trường chỉ còn chưa đến 300 tỷ USD. Lượng giao dịch Bitcoin hàng ngày cũng sụt giảm chỉ bằng một nửa so với trước đây. Những câu chuyện về các triệu phú trẻ tuổi làm giàu từ Bitcoin hay các đồng tiền mã hóa khác cũng không còn nhiều như trước nữa, phải chăng bong bóng đã vỡ?
Theo GenK