-Với sự phát triển của y học, tiếp xúc vật lý giữa vợ và chồng không còn cần thiết nữa, thì tại sao tử tù không được gửi tinh trùng của mình ra ngoài, nếu điều này không ảnh hưởng tới an ninh và các chi phí sẽ do gia đình gánh chịu?
Sinh con với chồng quá cố và "gáo nước lạnh"
LTS: Không chỉ bàn riêng về quyền khai sinh, quyền thừa kế, mà chuyện hai em bé mới sinh từ tinh trùng người cha đã chết còn gợi mở nhiều vấn đề mới mẻ, tế nhị khác, như quyền lưu giữ tinh trùng của các tử tù.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Đặng Hoàng Giang, để bạn đọc, đặc biệt các nhà luật học, các chuyên gia nghiên cứu vấn đề quản lý xã hội tham khảo, gợi mở ra những câu chuyện phong phú của một xã hội hiện đại đang phát triển.
Đâu là ranh giới?
Tù nhân nói chung, và tử tù nói riêng, có được phép lưu giữ tinh trùng hay mô phôi tinh hoàn để có thể có con qua phương pháp thụ tinh nhân tạo? Đây là một câu hỏi đang được dư luận chú ý và tranh cãi. Nó dẫn tới những câu hỏi rộng hơn là tù nhân có được quyền có con? Duy trì nòi giống là một quyền hay một đặc ân? Và đâu nên là ranh giới của sự trừng phạt nhân danh công lý.
Nhà tù được thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ cho bốn mục đích. Nó có nhiệm vụ ngăn ngừa - phạm nhân bị giam trong tù sẽ không có cơ hội tiếp tục làm những hành động trái pháp luật. Một chức năng chính là trừng phạt, những người tin vào công lý trừng phạt (retributive justice) cho rằng tội ác phải bị trừng trị.
Ảnh minh họa |
Tù nhân phải nhận hình phạt vì đã gây ra tổn thất cho xã hội, và mức độ trừng phạt phải tương ứng với mức độ tội ác được gây ra. Đi liền với trừng phạt là chức năng ngăn chặn: Nhà nước cầm tù một cá nhân phạm tội để răn đe những người khác dừng tay trước những hành động tương tự. Và cuối cùng, nhà tù có mục đích cải huấn. Thời gian trong tù được sử dụng để chuyển biến tù nhân thành một con người tôn trọng pháp luật và có ích cho cộng đồng. Cũng cùng một án tù, nhưng mục tiêu đằng sau có thể khác nhau.
Một người gây án mạng bị tù chung thân vì hệ thống quyền lực cho rằng anh ta là một mối đe doạ tiềm tàng cho xã hội, và do đó cần phải bị cách ly vĩnh viễn với cộng đồng. Cũng án chung thân, nhưng án tù cho tội tham nhũng, sẽ không phải vì nguy cơ tái phạm, mà có mục đích trừng phạt và “làm gương”.
Tử hình là mức độ thể hiện quyền lực cao nhất của nhà nước với một cá nhân trong lãnh thổ của nó, là hình thức răn đe và trừng phạt ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên, không phải cái chết nào cũng giống cái chết nào. Ở đây, điều quan trọng là cái chết phải được thực hiện bởi bàn tay của quyền lực nhà nước, vào thời điểm quyết định.
Chính vì vậy, bộ máy trại giam làm mọi thứ để bảo đảm người tử tù không thể tự sát. Nếu họ tự kết liễu đời mình, nhà nước sẽ mất đi cơ hội trừng phạt. Và cũng vì thế, người ta có thể chấp nhận chi phí, có thể rất lớn, để chữa bệnh cho người bị án tử hình, giữ cho họ trong trạng thái khoẻ mạnh, để chờ tới ngày thi hành án.
Một đặc trưng cơ bản của sự giam cầm là các quyền dân sự của các tù nhân bị hạn chế. Họ bị tước quyền tự do di chuyển, quyền sống với gia đình, quyền tiếp cận các cơ hội đào tạo và việc làm theo mong muốn của bản thân.
Tuy nhiên, người tử tù khác với “cuộc sống trần trụi” (“bare life”), khái niệm được nhà triết gia Giorgio Agamben dùng cho những người sống trong trại tập trung của phát xít Đức, hay người dân Campuchia trong thời kỳ Pol Pot, những người hoàn toàn nằm ngoài vòng pháp luật, có thể bị kết liễu cuộc đời mà những người giết họ không bị kết tội “giết người”.
Người chịu án tử hình vẫn là một chủ thể nằm trong không gian được trị vì bởi luật pháp và có một số quyền nhất định. Quyền được chữa bệnh, như đã nói bên trên, hay quyền không bị tra tấn và ngược đãi. Ở nhiều nước trên thế giới tử tù được phép kết hôn.
Ở Mỹ, có hàng chục websites giúp các tử tù tìm bạn, và đã dẫn tới hàng trăm cuộc kết hôn.
Quan điểm của công lý trừng phạt và...
Ở Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình không cấm phạm nhân kết hôn, tuy nhiên rào cản nằm ở khó khăn kỹ thuật khi triển khai, bởi quy định pháp lý hiện nay yêu cầu hai người phải cùng có mặt ở cơ quan đăng ký.
Một câu hỏi khác, cũng liên quan tới quyền của tù nhân, và đang được dư luận quan tâm là tử tù có được phép lưu giữ tinh trùng và mô phôi tinh hoàn để có con qua con đường thụ tinh nhân tạo hay không? Câu hỏi này không chỉ có ý nghĩa với những tử tù, mà còn với những tù nhân lãnh án lâu năm, án chung thân, hay tù nhân đang bị bệnh nặng. Và nó dẫn tới một câu hỏi rộng hơn, nền tảng hơn:
Tù nhân, bất kể đang chịu án giam có thời hạn hay án tử hình, có quyền duy trì nòi giống hay không?
Có hai luồng lập luận khác nhau. Luồng lập luận thứ nhất cho rằng để trừng phạt, trong thời gian chịu án (nghĩa là vĩnh viễn với những án chung thân và tử hình), tù nhân bị tước quyền được có con, dù qua bất cứ hình thức nào. Không thể trở thành một người bố, đó là cái giá họ phải trả cho tội phạm của mình.
Luồng lập luận đối nghịch cho rằng việc tước đoạt quyền có con của tù nhân gần như là một sự trừng phạt mang tính “chu di tam tộc”, cho dù là gián tiếp, và đi ngược với tư duy nhân đạo của xã hội hiện đại. Xã hội không có nghĩa vụ giúp tù nhân (hay bất cứ ai khác) sinh con đẻ cái, nhưng cũng không được tước đi quyền này của họ, nếu như nó không ảnh hưởng tới sự vận hành và những yêu cầu an ninh của một nhà tù.
Trên thực tế, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cho phép tù nhân gặp vợ hay chồng mình trong một không gian riêng tư (ở Việt Nam gọi là “phòng hạnh phúc”) để họ có thể sinh hoạt vợ chồng, một biện pháp được thừa nhận là có tác động rất tốt cho tâm lý phạm nhân, cho sự gắn bó trong gia đình và giúp họ tái hoà nhập vào cộng đồng.
Đây là một con đường tự nhiên để tù nhân có thể trở thành người bố. Tuy nhiên, vì lý do an ninh, tử tù không được có những cuộc viếng thăm “hạnh phúc” này (nguy cơ xảy ra bạo lực hay tự sát ở tử tù được cho là cao hơn nhiều, do vậy họ luôn phải nằm dưới sự giám sát của quản tù).
Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, tiếp xúc vật lý giữa vợ và chồng không còn cần thiết nữa cho mong muốn có con, và tại sao các tù nhân, dù là tử tù hay không, không được gửi tinh trùng của mình ra ngoài, nếu điều này không ảnh hưởng tới an ninh của nhà tù, và các chi phí sẽ do gia đình phạm nhân gánh chịu?
Đây không phải là một câu hỏi mang tính lý thuyết, nó đã xảy ra nhiều lần trên thực tế.
Ví dụ, năm 1999, William Gerber, một tù nhân thụ án tù chung thân ở California, Mỹ, đã kiện ra toà vì nhà tù không cho phép anh gửi tinh trùng cho vợ anh. Một toà án đã xử Gerber thắng cuộc, với lý do: “Không có một bức tường nào ngăn cách giữa người tù và Hiến pháp, do đó, anh ta vẫn được giữ những quyền nào trong Hiến pháp mà phù hợp với vị thế tù nhân và không đi ngược với các mục đích của hệ thống trừng giới.”
Tuy nhiên, sau đó, Toà án Tối cao Mỹ đã bác lại, cho rằng quyền được duy trì nòi giống như nêu trong Hiến pháp không được áp dụng cho những người ở đằng sau chấn song sắt nhà tù. Quan điểm ở đây là những cá nhân phạm tội nặng phải từ bỏ nhiều quyền mà người dân tôn trọng pháp luật được hưởng - rõ ràng là một quan điểm của công lý trừng phạt.
Mỹ chưa bao giờ được biết tới như một quốc gia có hệ thống trừng giới tiến bộ. Việt Nam có thể chứng tỏ mình nhân đạo hơn, qua việc cho phép tù nhân được có con qua đường thụ tinh nhân tạo. Tước đoạt các quyền con người của tù nhân ở quá mức độ cần thiết chỉ góp phần tạo ra những con người vừa hung hãn vừa tuyệt vọng, và làm mất đi chức năng cải huấn của biện pháp cầm tù.
Xa hơn một bước, Việt Nam nên xem xét lại chính sách tử hình của mình.
Cho tới nay, các nghiên cứu xã hội không thể chỉ ra được tác động ngăn ngừa tội phạm của biện pháp tử hình. Giết một mạng sống như một hành động trừng trị để “bảo toàn công lý” là một ý tưởng không còn phù hợp với một nhà nước hiện đại. Thay vào đó, án chung thân là một biện pháp nhân văn hơn, ít bạo lực và ít tàn khốc hơn, và thực hiện tốt hơn bốn mục đích của hệ thống trừng giới như đã nêu ở đầu bài.
- Đặng Hoàng Giang (Phó Giám đốc CECODES - Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng)