- Dù BĐS đang ở đáy trầm lắng nhưng các DN trong lĩnh vực này vẫn đóng góp cho danh sách các gia đình giàu nhất trên TTCK 2013 với số lượng áp đảo.

Top 10: chia tay 3 gia đình

Dòng tiền vào TTCK trong những phiên áp Tết Dương lịch khá yếu khiến nhiều cổ phiếu nóng rớt xuống mức giá sàn. Tuy nhiên, cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn xoay quanh mức 70.000 đồng/cp; HAG của bầu Đức quanh mức 20.500-21.000 đồng/cp; HPG của ông Trần Đình Long ở 41.000 đồng/cp...

Vì thế, vị trí tốp đầu những gia đình giàu nhất trên TTCK trong năm 2013 không có nhiều thay đổi so với 2012. Giống như năm trước, 3 vị trí giàu nhất trên TTCK năm 2013 tiếp tục thuộc về gia đình ông Phạm Nhật Vương, ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long.

{keywords}

Tài sản 3 gia đình này từ cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2013. Ấn tượng nhất, gia đình ông Phạm Nhật Vượng với khoảng 400 triệu cổ phiếu VIC (ông Vượng 285 triệu, vợ 49 triệu và một phần khá lớn thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam do Vượng sở hữu trên 50%). Tổng trị giá tài sản quy từ cổ phiếu của gia đình vị tỷ phú này ước đạt 28.000-30.000 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD).

Gia đình ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm giữ trên 318,5 triệu cổ phiếu HAG, trong đó riêng ông Đức nắm trên 311 triệu đơn vị. Với giá trị trên 6.500 tỷ đồng, gia đình bầu Đức giữ vững vị trí thứ 2.

Đứng ở vị trí thứ 3, vợ chồng ông Trần Đình Long chứng kiến tỷ lệ tăng tài sản mạnh nhất. Với hơn 132 triệu cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tài sản của 2 vợ chồng đại gia sản xuất thép và phát triển BĐS này tăng gần 2.700 tỷ đồng trong năm 2013 lên gần 5.470 tỷ đồng.

Gia đình đại gia Đặng Thành Tâm bất ngờ vượt lên chiếm vị trí thứ 4 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các cổ phiếu Đô Thị Kinh Bắc (KBC), và Itaco (ITA). Ông Tâm hiện đang nắm giữ gần 160 triệu cổ phần của 4 cổ phiếu KBC, ITA, SGT và NVB, có trị giá tổng cộng khoảng 1.300 tỷ đồng.

Gia đình của đại gia bánh kẹo Trần Kim Thành cũng bất ngờ lớn khi vươn từ vị trí thứ 8 trong năm trước lên vị trí thứ 5 nhờ sự gia tăng ngoạn mục trên 30% của cổ phiếu Bánh kẹo Kinh Đô (KDC).

Trong danh sách những gia đình giàu có nhất trên sàn chứng khoán 2013 là sự biến mất khỏi tốp 10 của 3 gia đình: ông Nguyễn Tuấn Hải (Alphanam), ông Đặng Văn Thành (Sacombank) và ông Nguyễn Đức Kiên (ACB).

Tài sản của gia đình ông Nguyễn Tuấn Hải đã sụt giảm hơn 50% sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP) - DN mà ông Hải và người thân đang nắm giữ gần 200 triệu cổ phần, báo lỗ lớn trong năm 2012, lỗ sâu 3 quý đầu năm 2013 và lên kế hoạch hủy niêm yết.

Trong khi đó, gia đình ông Đặng Văn Thành cũng biến mất hẳn trong bảng xếp hạng sau khi Sacombank (STB) hồi tháng 5/2013 tiến hành bán toàn bộ cổ phần STB của 2 cha con ông để cấn trừ nợ.

Túi tiền của ông Nguyễn Đức Kiên cùng gia đình bị vơi đi trong năm 2013 với những biến động không thuận của cổ phiếu Ngân hàng ACB và cũng là hậu quả của việc ông trùm ngân hàng này dính vòng lao lý, bị truy tố 4 tội danh.

Giàu nhờ nhà đất, BĐS, tài chính và thực phẩm

Thay thế cho 3 vị trí nói trên là gia đình ông Trần Mộng Hùng, Lê Phước Vũ và Hà Văn Thắm.

{keywords}

Ngay từ cuối 2012, giới đầu tư đã chứng kiến nghịch cảnh giữa nhà Trần Mộng Hùng và Đặng Văn Thành. Nhà ông Trần Mộng Hùng quay lại với ACB, trong gia đình ông Đặng Văn Thành lại mất ghế tại Sacombank. Tuy nhiên, năm 2013 mới thực sự chứng kiến sự "đổi ngôi" này.

Khối tài sản của ông Hùng không nhiều, chỉ khoảng 260 tỷ đồng, nhưng cùng với con trai là chủ tịch ACB Nguyễn Hùng Huy và người thân, đại gia đình ông Hùng nắm giữ khoảng 1.600 tỷ đồng, qua đó vừa đủ để lọt vào tốp 10.

Với nhà ông Lê Phước Vũ, cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tăng gần 2,5 lần trong năm 2013 đã khiến gần 50 triệu cổ phần do gia đình này năm giữ tăng vọt. Đây cũng là cơ sở giúp nhà ông Vũ lọt tốp 10 gia đình giàu nhất trên TTCK.

Đại gia Hà Văn Thắm là một nhân tố mới trên thị trường và cũng góp phần cho nhóm BĐS càng trở nên áp đảo. Ông chủ Chủ Tập đoàn Đại Dương (OGC) nổi lên rất mạnh mẽ trong năm 2013 với chiến lược mua bán sáp nhập khôn ngoan đã giúp Ocean Group trở thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu.

Đại gia trong lĩnh vực BĐS, ngân hàng này chỉ đứng tên một lượng khá ít ỏi cổ phiếu OGC (3,3 triệu, tương đương 1,11%) nhưng trên thực tế vị doanh nhân này đang chi phối tập đoàn này nhờ sở hữu gián tiếp qua doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (nắm giữ 44,4% OGC).

Sự nổi lên ông Thắm cùng với anh trai Hà Trọng Nam đã giúp nhà đại gia này lần đầu tiên lọt tốp 10 gia đình giàu nhất trên TTCK.

Có thể thấy, trong tốp 10 gia đình giàu nhất trên TTCK có tới 7 DN đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS hoặc liên quan, từ Vingroup của ông Vượng (BĐS cao cấp), cho tới bầu Đức (BĐS trong nước và ngoài nước), ông Trần Đình Long (BĐS và VLXD), ông Đặng Thành Tâm (BĐS công nghiệp), ông Lê Phước Vũ (VLXD), Nguyễn Văn Đạt, Hà Văn Thắm (BĐS, du lịch, ngân hàng).

Bên cạnh BĐS, tốp 10 còn chứng kiến các gia đình hoạt động trong các lĩnh vực khác như Trần Kim Thành (bánh kẹo), Nguyễn Đăng Quang (thực phẩm), Trần Mộng Hùng (ngân hàng).

Trong bối cảnh thị trường BĐS chưa hết "băng giá", đa phần các DN chìm ngập trong khó khăn, hiện tượng túi tiền của các gia đình giàu có nói trên tăng mạnh trong năm 2013 cho thấy khả năng chống chọi với bão tố của các DN BĐS lớn có vẻ khá tốt. Đây có lẽ là lý do giải thích cho việc các doanh nhân đua nhau đầu tư vào BĐS cho dù rủi ro cũng rất lớn như đã được biết đến mà các DN và ngân hàng Việt đang phải đối mặt.

Mạnh Hà