Sáng 24/12, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Báo chí phản biện phải trúng, phải đúng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, mọi hoạt động của báo chí đều tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạnh của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Qua đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu bật sáu sứ mệnh mà báo chí phải thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thứ nhất, phải thực hiện tốt chức năng định hướng tư tưởng, dư luận. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chức năng này báo chí đã thể hiện rất tốt khi trở thành một trong những lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp tuyên truyền và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, báo chí phải làm tốt hơn nữa.
Thứ hai, phải từ thực tiễn để xác định vai trò của báo chí. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thực tiễn rất phong phú, nhưng phải xác định được trọng tâm, trọng điểm. Báo chí phải đi vào các điểm mới, điểm khó, đi tới vùng sâu, vùng xa, để đồng hành cùng với nhân dân, với dân tộc để định hướng dư luận.
Thứ ba, báo chí phải tiếp tục phát huy tính dân chủ, gắn với sứ mệnh, trách nhiệm, kỷ cương… để luôn thực hiện sứ mệnh cao cả là đồng hành với dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc… Theo đó, báo chí phải hướng tới chân - thiện - mỹ, tôn vinh những mô hình sáng tạo của nhân dân trong thời kỳ mới, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết trong nhân dân.
Thứ tư, phải nhận thức đầy đủ hơn chức năng phản biện xã hội. Phản biện phải trúng, phải đúng mới có thể thực hiện tốt chủ trương ý Đảng, lòng dân.
Trong phản biện cũng phải phê phán các quan điểm sai trái, lên án việc lợi dụng chức năng phản biện để làm sai đạo đức nghề báo, để lợi dụng vai trò báo chí vi phạm pháp luật. Tuyệt đối không để phản biện xã hội trên báo chí bị các thế lực thù địch lợi dụng cho những mục đích sai trái.
Thứ năm, báo chí phải xung kích, đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực: Tư tưởng lý luận, lĩnh vực báo chí và lĩnh vực văn học nghệ thuật trong tình hình mới.
Thứ sáu, báo chí phải là lực lượng đồng hành, tiên phong hơn nữa trong nhiệm vụ tuyên truyền về thông tin đối ngoại.
Để thực hiện sáu sứ mệnh nói trên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề ra sáu nhiệm vụ mà báo chí phải làm trong thời gian tới.
Thứ nhất, phải quán triệt, thực hiện tốt đề án kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hướng tới báo chí cách mạng hiện đại, thể hiện trách nhiệm làm gì và gửi gắm gì cho mai sau.
Thứ hai, rà soát lại để thực hiện tốt hơn đề án quy hoạch báo chí, xuất bản gắn xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả,
Thứ ba, phải từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trương đã có rồi, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo và Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thống nhất vấn đề này, các tỉnh cũng đồng tình cao. Do đó, cần khẩn trương thực hiện.
Thứ tư, báo chí phải quan tâm tới ba nguồn lực trong tiến trình phát triển. Đó là nguồn lực con người, ứng dụng công nghệ khoa học 4.0 và nguồn lực ngân sách - tài chính. Trong ba nguồn lực trên, nguồn lực về con người là quan trọng nhất. Vì thế, phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng để tạo ra đội ngũ làm báo có tính cách mạng, chuyên nghiệp, kiên định và bản lĩnh... đáp ứng hoạt động báo chí trong môi trường đa phương tiện.
Thứ năm, thực hiện tốt chủ trương xây dựng các tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí, nêu cao vai trò của Tổng biên tập, của từng đảng viên trong cơ quan báo chí.
Thứ sáu, báo chí phải đồng hành với mục tiêu chung là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đồng hành với an sinh xã hội.
Phải đặt tính cách mạng lên hàng đầu
Trước đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của báo chí trong dự thảo báo cáo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trong phương hướng và nhiệm vụ, phải xác định không chỉ cho năm 2023 mà còn hướng tới 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
“Đây là sự kiện rất quan trọng không chỉ cho sự nghiệp báo chí mà còn là sự nghiệp văn hóa tư tưởng của Đảng, là mong mỏi, kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân đối với sự nghiệp báo chí nước nhà nên phải có tầm nhìn xa”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiệm vụ của báo chí cũng cần phải hướng tới việc chuẩn bị cho sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, sự kiện 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.
Về mục tiêu, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu bám sát các mục tiêu của Đảng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, trong đề án về quy hoạch và quản lý báo chí đã đặt ra: “Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong đó, tính cách mạng phải đặt lên hàng đầu.
Trong vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, không thể nói chung chung, phải nói cụ thể vào mục tiêu về tính cách mạng, tính chuyên nghiệp và tính nhân văn, hiện đại… đã thể hiện rõ trong các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng. Vì thế, các hoạt động báo chí phải thấm nhuần tinh thần đó.
Cũng tại hội nghị, đã có 32 tập thể được trao tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022. Trong 32 đơn vị có Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Truyền hình Quốc hội... |
Giao Linh, Mỹ Hòa, Đàm Xuân An