Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Trong đó, tập trung xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian qua, ngành tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các đề án quan trọng trong lĩnh vực tài chính-ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối bảo đảm nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

nganhang.png
Ảnh minh hoạ

Quản lý nợ công từng bước được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, vĩ mô của đất nước trong từng giai đoạn.

Ngành đã đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực tài chính, từng bước tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, tạo ra những động lực đổi mới trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quán triệt và tổ chức thực hiện của ngành tài chính vẫn còn một số hạn chế như: Thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững; vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa được phát huy. Chi thường xuyên vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Thể chế, chính sách về đầu tư công, về ngân sách nhà nước, về giá, về tài chính đất đai điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và đầu tư được đẩy mạnh nhưng trong thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả; chưa thể chế hóa đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Chính sách tài chính phát triển các ngành ưu tiên, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế vùng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp còn dàn trải, trùng lắp. Công tác quản lý tài chính, tài sản công, đất đai ở một số cơ quan, đơn vị còn kém hiệu quả.

Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công có lúc, có nơi còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả…

Văn Thường, Duy Khánh, Hà Sơn, Hữu Duyên