- Tháng 9 này Dương có rất nhiều niềm vui. Anh sẽ đón ngày sinh nhật của mình và lần đầu tiên hát cho hòa nhạc "Điều Còn Mãi 2013" của VietNamNet, Tùng Dương tiết lộ anh sẽ làm ca khúc lâu đời "Bên kia sông Đuống" trở nên lạ lẫm và mới mẻ.

Hòa nhạc Điều còn mãi 2013 vào 14h chiều ngày 2/9 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và truyền hình ANTV, truyền hình Nghệ An sẽ nối sóng của VTV truyền hình trực tiếp chương trình. Ngoài ra Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phát trực tiếp chương trình trên kênh FM Đài Tiếng nói Việt Nam.

Có một cảm giác là lạ, thân quen và thú vị dấy lên khi người ta nhìn thấy ca khúc "Bên kia sông Đuống" (nhạc: Hồ Bắc, thơ: Hoàng Cầm) trên nhạc mục của Điều còn mãi 2013, chương trình tôn vinh những giá trị kinh điển trong gia tài nhạc Việt do VietNamNet tổ chức vào dịp 2/9 hàng năm. Bất ngờ hơn khi ca khúc này lại được thể hiện bởi ca sĩ Tùng Dương, anh hát trên nền nhạc giao hưởng qua phần phối khí của Trần Mạnh Hùng và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi.

{keywords}
Ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: Trọng Tùng.

Phong cách bán cổ điển luôn là một thử thách khẳng định đẳng cấp cho bất cứ ca sĩ nhạc nhẹ nào. Khi được hỏi Tùng Dương có cảm thấy bị áp lực và phải gò ép phong cách vốn nổi tiếng phá cách của mình, anh cho biết: 

"Dương xây nền móng đầu tiên cho nghề ca hát của mình là ở các dòng nhạc đương đại. Nhưng nếu bạn để ý kỹ sẽ thấy Dương sử dụng những kỹ thuật thanh nhạc trong trường lớp (Tùng Dương tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội hệ đại học - PV).

Kỹ thuật ấy giúp Dương hát không thấy mệt, hát được nhiều bài một lúc và giữ được giọng hát bền, lâu. Hơn nữa, Dương nghĩ mình đang ở lứa tuổi 30, lứa tuổi sung mãn của đời người, không lý gì mà Dương lại không lao vào thử thách. Đặc biệt là những giá trị bất hủ, lại càng cần phải khơi dậy ở các bạn trẻ tình yêu đối với gia tài cha ông để lại. Bản thân tôi cũng nhiều lần hát trên nền nhạc giao hưởng, đây cũng lại là một khía cạnh khiến tôi không thấy có gì gò ép cả.

- Có nghĩa là khán giả sẽ được thấy một Tùng Dương khác hẳn trên sân khấu "Điều còn mãi 2013"?

Với "Điều còn mãi", như tên gọi và như chính bài hát cùng tên của nhạc sĩ Dương Thụ mà Dương đã từng hát, chương trình không chỉ đem đến một Tùng Dương hoàn toàn biệt với dòng nhạc bán cổ điển, mà còn ở cách nó khơi dậy và giữ gìn những giá trị còn mãi. Đây là điều rất ý nghĩa cho chính bản thân người nghệ sĩ, bởi ngay cả khi họ mất đi thì những gì họ đóng góp vẫn còn được lưu giữ trong lòng công chúng. Chắc chắn là Dương sẽ tập luyện và hát thật tốt để không phụ lòng độc giả VietNamNet, những người đã luôn luôn hỗ trợ và đồng hành trong sự nghiệp của Dương.

Tất nhiên không phải bài nào tôi cũng lên đồng hay hóa thân hết mình. Bạn biết bài hát "Bên kia sông Đuống" phổ từ bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Hoàng Cầm, trong đó có đoạn "tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong". Dương muốn hát như lời tự sự về vẻ đẹp con người VN qua bức tranh quê hương đầy màu sắc nên thơ, lãng mạn và tuyệt đẹp với con sông nơi chứng kiến cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Dương cũng sẽ nhập mình vào bài hát, có cách khai thác riêng của mình để không giống với những nghệ sĩ khác.

{keywords}
Tùng Dương trên sân khấu Nhà hát TP.HCM. Ảnh: Giang Huy.

- Nhìn lại sự nghiệp 10 năm kể từ ngày đăng quang Sao Mai Điểm hẹn 2004 đến nay, anh đã trải qua quá nhiều dòng nhạc. Đây là do những hoàn cảnh cụ thể hay là ý thích đi tìm cái mới của anh?

Nó là cả hai yếu tố. Có khán giả yêu cầu thì sẽ có ca sĩ cung cấp. Khi Dương đi diễn ở nước ngoài, Mỹ hay châu Âu, tùy người nghe với những đam mê, yêu thích khác nhau, Dương sẽ hát những bài đáp ứng mong muốn của họ. Chẳng hạn như ở Mỹ hay châu Âu mình không thể hát những bài quá kén người nghe, chỉ một hai bài thôi, nhìn chung họ thích dòng nhạc xưa. Nhưng ở Đông Âu, khán giả lại thích nghe những bài nhạc cách mạng. Vì đối tượng người nghe khác nhau nên mình cũng chuyển biến theo nhu cầu. 

Nhưng cá tính của Tùng Dương thì vẫn giữ lại như đúng phong cách bạn đã từng thấy qua các album như "Chạy trốn", "Những ô màu khối lập phương", "Liti"..., luôn cởi bỏ những trói buộc và có những lúc tự làm khó mình để lao vào thử thách của âm nhạc. Và bạn cũng thấy gần đây Dương hát lại những bản nhạc xưa, nhưng hoàn toàn là cách hát của Dương không giống các anh chị đi trước. Được khán giả đón nhận tại sao mình lại không hát? Do vậy, mình nghĩ ở VN, việc ca sĩ hát nhiều dòng nhạc là điều hết sức hiển nhiên, không có gì quá lạ lẫm cả.

Nhưng thế giới thì ngược lại, họ chỉ đi con đường độc đạo của họ mà thôi, mọi sáng tạo của họ đều trên nền móng con đường đó, không được phép làm cái khác biệt quá so với họ. Chẳng hạn như Whitney Houston không thể hát những bản nhạc điện tử quá khó nghe được, hay Bjork không thể hát những bài ballad quá nhẹ nhàng. Nhưng ở VN điều này là không thể, bản thân công chúng cũng chờ đợi người nghệ sĩ có biến báo thay đổi.

- Anh sẽ đón sinh nhật lần thứ 30 của mình vào hai tuần sau đêm nhạc "Điều còn mãi" như thế nào?

Tháng 9 này Dương có rất nhiều niềm vui. Nhưng đúng ngày sinh nhật thì Dương lại có chương trình hát cho một chương trình hòa nhạc của UNESCO tại Pháp. Trên một sân khấu rất to lớn, Dương sẽ hát những bài ca ngợi quê hương đất nước và cũng sẽ mừng sinh nhật thứ 30 của mình tại đó.

{keywords}
Anh cho biết đang gấp rút hoàn thành album phòng thu thứ tư "Độc đạo" với nhạc sĩ Nguyên Lê.

- Nhìn lại thành công, anh thấy nghề ca hát đã mang lại cho anh điều gì đáng giá nhất, tiền bạc, sự nổi tiếng, những chuyến đi hay đơn giản là việc được ca hát?

- Nghề hát cho Dương một niềm hạnh phúc cộng hưởng. Tất nhiên, bạn thấy trong cuộc sống nếu được làm điều mình đam mê thì sẽ dễ thành công, thật không may mắn khi phải làm nghề tay trái. Niềm đam mê lớn nhất của Dương là ca hát thì Dương đã làm được, đưa tiếng hát của mình đến nhiều nơi và được khán giả yêu mến. Đó chính là tài sản vô hình rất là quý giá đối với Tùng Dương. 

Những chuyến lưu diễn ở khắp nơi cũng khơi lên trong Dương một mơ ước được thành công ở cả nước ngoài, tại sao mình lại không dám mơ một ước mơ như vậy để nhắc nhớ mình đang ở đâu, còn cần phải rèn luyện và trau dồi hơn nữa. Về phương diện cá nhân, Dương nghĩ là nghề hát đã cho mình thỏa niềm đam mê ca hát. Là con người dưới ánh đèn, bạn sẽ cảm thấy là chính mình nhất chỉ khi ở trên sân khấu, nơi bạn luôn đạt được cảm xúc thăng hoa.

- Nhưng chắc là nghề ca hát cũng lấy đi của anh nhiều thứ, trong đó có sự riêng tư. Anh chấp nhận chia sẻ đời tư của mình với khán giả ở mức độ nào?

- Một khi công chúng đã yêu mến người nghệ sĩ, thì nhu cầu quan tâm dõi theo bước đường của họ là điều rất tự nhiên. Dương trân trọng khán giả vì điều ấy, không có lý gì lại không chia sẻ những niềm hạnh phúc hay đau khổ của mình cho họ biết. Tuy nhiên, cũng phải ở một mức độ nào đó thôi, bởi vì Dương nghĩ một người nghệ sĩ thực sự chỉ muốn được khán giả dõi theo khi đang ở trên sân khấu, nơi họ thăng hoa tỏa sáng. Cũng có những nghệ sĩ chọn cách bảo vệ sự riêng tư tuyệt đối, sống ẩn dật và xa lánh đám đông. Nhưng nhìn chung ai cũng phải giữ cho mình một hình ảnh đẹp và một cuộc sống thoải mái, giản dị, không bị chi phối bởi những cám dỗ làm đánh mất đi hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Mỗi người nghệ sĩ cần ý thức được điều này.

Xin cảm ơn anh!

Minh Chánh thực hiện

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (nhà tài trợ Vàng), Tổng Công ty Rượu bia nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Nhà tài trợ Đồng), Công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ) và café Trung Nguyên số 3 Ngô Quyền Hà Nội. Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC).