Giải đáp các thắc mắc xoay quanh các hành vi vi phạm liên quan đến đại dịch Covid-19, Bà Lê Thị Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định 7 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm…
Khách mời giải đáp các thắc mắc liên quan đến các quy định về dịch virus corona |
Thông tin sai sự thật về dịch virus corona bị xử hình sự
Như vậy, bất cứ người nào vi phạm 1 trong 7 hành vi bị nghiêm cấm này đều coi là vi phạm pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có nhóm hành vi cấu thành tội phạm, trong đó có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
The bà Vân Anh, 7 hành vi bị cấm quy định trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có thể coi là những hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì có thể bị xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại điều 288.
Cụ thể, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bà Lê Thị Vân Anh |
Như vậy, với hành vi thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm là hành vi bị nghiêm cấm tại điều 8 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễn thì có thể bị xem xét xử lý hình sự…
Về xử lý hành vi tung tin thất thiệt về dịch Covid-19 bà Vân Anh cho biết, hành vi đưa tin trái quy định lên mạng internet, trong trường hợp có hậu quả như gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại vật chất đối với cá nhân, xã hội… thì sẽ xử lý hình sự.
Hành vi này nhẹ thì có thể phạt tiền với mức cao nhất 300 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất 7 năm. Trường hợp có tình tiết tăng nặng, sẽ phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và phạt tù 7 năm.
Việt kiều nhiễm Covid-19 về nước không khai báo sẽ bị phạt 2 hành vi
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch bệnh Covid-19 nói riêng, nghị định số 176 quy định tương đối đầy đủ, cụ thể.
Chẳng hạn như hành vi “cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố” có mức phạt từ 3-5 triệu đồng và buộc cải chính thông tin sai sự thật.
Phạt từ 200-500 ngàn đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Phạt từ 500 ngàn - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền..
Bà Nguyễn Thanh Hà |
Với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt từ 2-5 triệu đồng.
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…
Bà Hà cũng lưu ý là một người vi phạm có thể bị áp dụng nhiều chế tài xử phạt hành chính khác nhau tùy thuộc hành vi vi phạm do họ thực hiện.
Ví dụ như trường hợp Việt kiều định cư ở châu Âu biết mình đã nhiễm Covid 19 nhưng khi nhập cảnh vào Việt Nam lại không khai báo có thể bị xử phạt về 2 hành vi: Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định (điểm a khoản 1 điều 12 nghị định 176) và Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch (điểm a khoản 2 điều 11 NĐ 176).
Bác sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ được công nhận liệt sĩ Trả lời câu hỏi, nếu các y bác sĩ bị tổn hại sức khỏe hoặc bị nhiễm bệnh và qua đời thì họ có được hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ không, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, ở Việt Nam chưa xảy ra chuyện này. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, trường hợp “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”, người hy sinh, người bị thương được xem xét xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Theo đó, có thể vận dụng quy định nêu trên để xem xét xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách đối với bác sĩ bị thương hoặc hy sinh trong phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, được Nhà nước truy tặng bằng Tổ quốc ghi công trong những trường hợp: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. |
Thu Hằng
Tổng bí thư: Chống dịch Covid-19 quyết liệt, không sợ hãi đến mức không dám làm gì
Sáng nay, tại trụ sở TƯ Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19.