Tại Đường sách TPHCM vừa diễn ra chương trình Giá trị giao thoa văn hóa âm nhạc truyền thống Nam Bộ. Tham gia buổi tọa đàm có các diễn giả: Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên, nhạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải, diễn giả Hồ Nhựt Quang, nghệ sĩ Xuân Lan, Minh Hòa, Lý Trung Tín, Kim Anh…

W-09 sv.jpg
NSƯT Hồng Vân. 

NSƯT Hồng Vân là một trong những khách mời tại sự kiện. Bà biểu diễn ngâm thơ và hát Lý Chiều Chiều theo thể điệu truyền thống Nam Bộ với những cung bậc tình cảm, da diết.

Chia sẻ với VietNamNet, nữ nghệ sĩ nói các chương trình về văn hóa sẽ góp phần bồi dưỡng cho trái tim, tinh thần và năng lượng cuộc sống mỗi người thêm dồi dào, đặc biệt với những bạn trẻ. 

NSƯT Hồng Vân hát "Lý Chiều Chiều"

Tuổi 75, NSƯT Hồng Vân vẫn đi hát, dạy dân ca 3 miền. Bà muốn lan tỏa tình yêu văn hóa đến mọi người. 

“Giới trẻ giờ có vẻ dần quên bớt đi văn hóa Việt Nam. Nó xuất phát từ nhiều thứ: cách ăn mặc, thưởng thức văn hóa, cách sống và ứng xử với gia đình, xã hội… Tất cả khác hẳn với thời của tôi. Cuộc sống giờ văn minh hiện đại nên không giống thời xưa, chúng ta phải chấp nhận. Thế nhưng, tôi tin có những điều thuộc về giá trị sẽ mãi trường tồn”, bà nói. 

Theo nữ nghệ sĩ, người Việt Nam rất nhạy cảm trên mọi phương diện. Bà thấy rõ niềm xúc động, tự hào bên trong mỗi người khi cảm nhận tình yêu văn hóa, quê hương đất nước. Bởi văn hóa không có biên giới, tuổi tác, làm chúng ta thêm quý trọng và yêu hơn ngôn ngữ của mình qua âm nhạc, thơ ca... 

Ngoài ra, sự kiện mang đến các tiết mục đặc sắc như múa Khmer trên nền nhạc Lưu Thuỷ Nam Bộ nhằm “ôn cố tri tân” gánh đờn ca tài tử của Nam Bộ đã từng được biểu diễn tại Paris (Pháp); bài tân cổ giao duyên Con gái của mẹ (tân nhạc: Giao Tiên, cổ nhạc: Loan Thảo); chặp cải lương Tinh thần võ sĩ Masashighe Kusunoki (tác giả: Hồ Nhựt Quang)…

Sự kiện hướng đến kỷ niệm 10 năm thành lập CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hoá Nam bộ (12/9/2014-12/9/2024) do cố GS.TS Trần Văn Khê thành lập. 

Chương trình gồm những nội dung: Nước trong văn hóa và âm nhạc; vai trò của giao thoa văn hóa âm nhạc Đông - Tây trong việc tăng sức mạnh biểu cảm bài bản và sân khấu cải lương Nam Bộ; phân tích cây đàn guitar phím lõm và bài tân cổ giao duyên… 

batch_dd05c93955f8965ac80387.jpg
Các khách mời chia sẻ trong tọa đàm. 

Theo Thạc sĩ Hồ Nhựt Quang, trong văn hóa và âm nhạc truyền thống Nam Bộ, yếu tố "nước" không chỉ là nước hiện diện ở con sông, kênh rạch mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cách sống, tư duy và cảm thức âm nhạc của người Nam Bộ. Âm hưởng của nước trong âm nhạc thể hiện qua những giai điệu mềm mại, trữ tình, uyển chuyển.

Ngoài ra, vai trò của giao thoa văn hoá âm nhạc Đông-Tây trong việc tăng sức mạnh biểu cảm bài bản và sân khấu cải lương Nam Bộ cũng được bàn luận. Nội dung này được các diễn giả minh chứng qua quyển sách xưa có tựa đề Sách dạy hát tiếng Nam của hai tác giả Nguyễn Trung Phán và Nguyễn Trung Nghệ, xuất bản vào năm 1928. 

Chương trình trao đổi về đề tài cây đàn guitar phím lõm xuất hiện trong âm nhạc truyền thống Nam Bộ và thể loại tân cổ giao duyên, sản phẩm của sự giao thoa văn hóa, kết hợp giữa cổ điển và hiện đại. 

Các chuyên gia cũng đánh giá vai trò quan trọng của nhạc nền trong sân khấu cải lương. Theo Thạc sĩ Huỳnh Khải, nhạc nền tạo nên bối cảnh, không gian và cảm xúc cho diễn xuất. Một ví dụ điển hình là kỹ thuật "hát chặp" trong cải lương

Thông qua buổi gặp gỡ và giao lưu chia sẻ, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ mong muốn giới thiệu và vinh danh những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống quý báu của vùng Nam Bộ, đặc biệt là nghệ thuật đờn ca tài tử, tôn vinh công lao của các nhà nghiên cứu, giảng dạy, biểu diễn âm nhạc truyền thống.

Đồng thời, CLB hy vọng góp phần trong công cuộc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống và nâng cao ý thức trong cộng đồng.

Ảnh: BTC