Tương lai Việt Nam sẽ ra sao?
Ta thử tưởng tượng hoặc thử mơ về một ngày nào đó khoảng năm 2025 hay 2030, giới nghiên cứu, giới báo chí cũng như nhiều lãnh đạo chính trị thế giới bắt đầu quen với một cụm từ gọi là Đồng thuận Hà Nội (Hanoi Consensus).
Cụm từ đó nói về một mô hình phát triển kinh tế, xã hội lý tưởng mà các nước còn ở mức thu nhập trung bình đáng tham khảo. Hiện nay dân số thế giới có 7 tỉ người, trong đó độ 1 tỉ thuộc những nước nghèo, 1 tỉ thuộc những nước tiên tiến, còn lại tới 5 tỉ thuộc những nước thu nhập trung bình.
Trong tương lai, Việt Nam phải phát triển thành nước thu nhập trung bình cao, và trong một tầm nhìn dài hơn, Việt Nam cần hướng đến một nước thu nhập cao, đúng như mục tiêu dân giàu nước mạnh đã được đưa ra từ lâu. Ảnh: Mai Lương |
Trong nhóm trung bình có hơn phân nửa dân số thuộc trung bình thấp như Việt Nam. Nếu Việt Nam phát triển bền vững, tiến lên nước thu nhập trung bình cao trong sự hài hòa với môi trường và xã hội, từ đó có cơ sở để tin rằng nước ta sẽ có khả năng tiếp tục phát triển để trở thành thành viên của nhóm nước có thu nhập cao thì khái niệm Đồng thuận Hà Nội hay một cụm từ có ý nghĩa tương tự có lẽ sẽ xuất hiện.
Đồng thuận Bắc Kinh và mô hình phát triển Trung Quốc
Từ cuối thập niên 1980, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Chính phủ Mỹ khuyên các nước đang phát triển triệt để theo nguyên lý thị trường, trong đó tự do hóa các hoạt động kinh tế, kể cả việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, giảm trợ cấp các dịch vụ công cộng và tự do mậu dịch. Tư tưởng, chiến lược này được gọi là Đồng thuận Washington (Washington Consensus) và từ đầu thập niên 1990 được cổ xúy, áp dụng cho những nước chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Phương châm chuyển đồng loạt các lĩnh vực sang kinh tế thị trường này còn gọi là chính sách cấp tiến hay liệu pháp sốc.
Trung Quốc không theo chính sách cấp tiến mà là tiệm tiến, trong đó quá trình chuyển sang kinh tế thị trường được tiến hành từng bước, có chọn lựa thứ tự ưu tiên, việc tự do hóa hoặc mở của thị trường được thực nghiệm ở một số khu vực trước khi áp dụng rộng rãi. Kết quả là Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của thế giới. Năm 2004, Joshua C. Ramo, nguyên Tổng biên tập báo Time và là giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), dùng thuật ngữ Beijing Consensus (Đồng thuận Bắc Kinh) để khái quát chiến lược phát triển và chuyển sang kinh tế thị trường theo cách tiệm tiến của Trung Quốc. Thuật ngữ đó dùng để đối lại với cụm từ Đồng thuận Washington. Trung Quốc ngày càng tự tin vào chiến lược phát triển của mình, và các học giả của họ đã chuyển khái niệm Đồng thuận Bắc Kinh thành “Mô hình phát triển Trung Quốc”.
Mô hình này được bàn luận khá sôi nổi, được cổ xúy như là một sức mạnh mềm của Trung Quốc, nhất là trong khoảng năm 2009-2010. Năm 2009, Trung Quốc kỷ niệm 60 năm lập quốc với thể chế mới và 30 năm cải cách mở cửa. Trong lúc kinh tế thế giới bị suy sụp sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2008, Trung Quốc vẫn tiếp tục mạnh mẽ và năm 2010 vượt Nhật trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới cũng làm họ tự tin hơn.
Mô hình phát triển Trung Quốc có đặc tính gì? Nhìn tổng quát, ngoài yếu tố tiến hành tuần tự các chính sách, mô hình này giống với các nước Đông Á (điển hình là Hàn Quốc) trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển và được tổng kết là mô hình “độc tài cho phát triển” (thể chế chính trị độc tài nhưng ưu tiên động viên các nguồn lực cho phát triển) hoặc “chủ nghĩa tư bản nhà nước” (state capitalism) trong ý nghĩa là nhà nước can thiệp mạnh vào thị trường để đẩy mạnh phát triển. Nhưng quá trình và kết quả phát triển của mô hình Trung Quốc cho thấy các đặc tính sau:
Thứ nhất, Trung Quốc đã quá nhấn mạnh và thúc đẩy tăng trưởng hầu như bằng mọi giá, gây hậu quả là dân chúng (giới lao động và nông dân) bất mãn, xã hội bị phân tầng gay gắt. Đặc biệt tầng lớp bị hy sinh nhiều trong quá trình trỗi dậy của Trung Quốc là giới lao động di chuyển từ nông thôn và các tỉnh nội lục đến tìm việc ở các tỉnh ven biển, với tiền lương thấp và vị trí xã hội bấp bênh. Chế độ hộ khẩu và sự thiếu vắng chế độ phúc lợi cho người thu nhập thấp gây ra tình trạng bi thảm cho họ. Mặt khác, nhìn toàn cục, tỷ lệ của đầu tư trên GDP thường ở mức cao một cách dị thường (tăng từ 35% năm 1980 đến 50% năm 2012), và ngược lại là tỷ lệ của chi tiêu cá nhân quá thấp (chỉ có 35% năm 2012). Nói khác đi, kinh tế tăng trưởng nhờ đầu tư cao và chậm cải thiện cuộc sống của dân chúng.
Ưu tiên phát triển bằng mọi giá còn đi kèm theo với tình trạng sao nhãng các đối sách về an toàn lao động, thường xuyên phát sinh tai nạn hầm mỏ, tai nạn tại các công xưởng hóa chất gây chết nhiều người.
Một chỉ tiêu đo sự bất bình đẳng thu nhập là hệ số Gini (càng gần zero càng bình đẳng, càng gần số 1 càng bất bình đẳng). Thông thường nếu Gini lớn hơn 0,4 thì xã hội có khả năng bất ổn, đáng báo động, nhưng Gini của Trung Quốc đã lên tới 0,47 vào năm 2012.
Thứ hai, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc thì cả thế giới đều biết. Môi trường sinh thái bị phá hoại, không khí, sông ngòi bị ô nhiễm, nhiều khu vực bị sa mạc hóa đang trở thành vấn nạn ở Trung Quốc.
Thứ ba, đạo đức suy đồi, an ninh xã hội bất ổn, an toàn lương thực không được bảo đảm làm cho cuộc sống của cả giới giàu có cũng bị ảnh hưởng. Do đó, ngày càng nhiều gia đình có khả năng tài chính muốn di cư sang các nước tiên tiến, đặc biệt là Bắc Mỹ.
Do chất lượng phát triển không tốt và do Trung Quốc quá lớn, mô hình phát triển Trung Quốc được phân tích nhiều nhưng hầu như chưa có nước nào muốn tham khảo cho chiến lược phát triển của mình. Dĩ nhiên một số bộ phận của mô hình đó có thể tham khảo được, chẳng hạn phát triển của các doanh nghiệp hương trấn hoặc vai trò của các đặc khu kinh tế trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990.
Hướng tới Đồng thuận Hà Nội
Do đi sau và đi chậm hơn, hiện nay tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên đầu người của Việt Nam mới 2.100 đô la Mỹ (năm 2015) và thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp, trong khi Trung Quốc đã đạt 7.800 đô la Mỹ và được xếp vào những nước thu nhập trung bình cao. Trong tương lai, mục tiêu của Trung Quốc là tiếp tục phát triển để trở thành nước thu nhập cao, ngang hàng với các nước tiên tiến hiện nay. Việt Nam thì phải đi sau với cái đích trước mắt là mức thu nhập trung bình cao.
Tuy nhiên, tương lai Việt Nam có nên chạy theo Trung Quốc trên đường phát triển không, có nên phỏng theo mô hình Trung Quốc để nhắm đến mức thu nhập trung bình cao để rồi sau đó lại tiếp tục ở giai đoạn cao hơn không? Câu trả lời ở đây là không. Việt Nam cần có mô hình riêng với chất lượng phát triển tốt hơn, bền vững hơn.
Trong 30 năm qua, nhất là từ cuối thập niên 1990, kinh tế Việt Nam cũng có một số đặc trưng giống Trung Quốc tuy phát triển với tốc độ thấp hơn. Tuy nhiên các mặt tiêu cực như khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm... đã trở thành vấn nạn tuy so với Trung Quốc có thể ít trầm trọng hơn.
Như vậy Việt Nam phải chuyển hướng phát triển, không thể giống Trung Quốc, không thể như chính Việt Nam trong thời gian qua.
Trên thế giới hiện nay Việt Nam xếp thứ 14 về dân số, thứ 50 về GDP và thứ 130 về thu nhập đầu người. Việt Nam hiện nay là nước có thu nhập trung bình thấp. Như vậy trong tương lai, Việt Nam phải phát triển thành nước thu nhập trung bình cao, và trong một tầm nhìn dài hơn, Việt Nam cần hướng đến một nước thu nhập cao, đúng như mục tiêu dân giàu nước mạnh đã được đưa ra từ lâu. Để đạt các mục tiêu đó, Việt Nam phải phát triển với tốc độ tương đối cao, ít nhất là 7%. Phát triển với tốc độ tương đối cao như vậy cũng là nhu cầu để đối phó với nguy cơ chưa giàu đã già. Nghiên cứu về diễn biến của cơ cấu dân số cho thấy giai đoạn dân số vàng của Việt Nam là từ khoảng năm 1970 đến khoảng năm 2025. Sau giai đoạn dân số vàng là bắt đầu thời kỳ lão hóa, Việt Nam sẽ phải đối phó với vấn đề an sinh trong một xã hội mà tỷ lệ người già rất cao.
Nhu cầu tăng trưởng tốc độ cao nhưng phải bảo đảm chất lượng phát triển là vấn đề không dễ thực hiện. Tuy nhiên kinh nghiệm các nước rất phong phú và lý luận về phát triển bao trùm (inclusive), về bền vững, về sự quan trọng của chất lượng thể chế đã cho thấy những hàm ý đáng tham khảo. Vấn đề là quyết tâm và trách nhiệm của lãnh đạo chính trị trong việc cải cách thể chế để các nguồn lực được sử dụng hiệu quả (mà dân chủ, công khai, trách nhiệm giải trình là những yếu tố quan trọng) và không để ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển. Thể chế cũng phải bảo đảm có sự chuyển dịch xã hội (social mobility) để mọi người có thể dễ dàng chuyển từ giai tầng này sang giai tầng khác bằng nỗ lực và năng lực của mình.
Ngoài vốn tư bản hữu hình, vốn con người và vốn thể chế, gần đây lý luận kinh tế phát triển còn nhấn mạnh vốn xã hội (social capital) và vốn thiên nhiên (nature capital). Vốn xã hội là sự tin cậy giữa người với người, giữa tổ chức với cá nhân và giữa các tổ chức với nhau. Không có sự tin cậy này thì kinh tế thị trường không phát triển lành mạnh. Môi trường được gìn giữ không phải chỉ để tăng chất lượng cuộc sống hiện tại mà còn là vốn thiên nhiên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển trong tương lai.
Đồng thuận Hà Nội là mô hình phát triển bao trùm, có sự chuyển dịch xã hội cao, có vốn xã hội và vốn thiên nhiên cùng với vốn con người ngày càng được tích lũy. Chỉ còn độ 5-7 năm nữa Việt Nam sẽ có 100 triệu dân. Với Đồng thuận Hà Nội, Việt Nam sẽ trở thành một nước lớn, giàu mạnh, được thế giới kính nể và xem đó là mô hình phát triển đáng để nhiều nước đi sau tham khảo. Nhân ngày đầu xuân, cùng nghĩ về một tương lai như thế, không biết giấc mơ này có thành hiện thực?
Theo Trần Văn Thọ/TBKTSG