Từ năm 2013, ở Trung Quốc đã xuất hiện một hình thức mới để tưởng nhớ người quá cố. Khi quét mã QR trên bia mộ, người thân có thể đọc được thông tin tóm tắt về chủ nhân của ngôi mộ. Vì thế, nhiều bia mộ tại Trung Quốc không hề có ảnh và thông tin của người đã qua đời mà chỉ có mã QR.
Cụ thể, khi quét mã QR xong, người dùng smartphone sẽ được đưa đến một trang web đặc biệt được tạo riêng cho người đã khuất, bao gồm tiểu sử, câu chuyện, ảnh chụp, video và nội dung khác do thành viên gia đình cung cấp. Một số trang web còn có cả cuốn sổ chia buồn, nơi mọi người có thể để lại lời nhắn thể hiện sự cảm thông với gia đình của người đã khuất.
Tính năng này xuất hiện lần đầu tại nghĩa trang Shengjiang. Ở thời điểm đó, theo Hu Yefeng, người quản lý nghĩa trang, đã có hàng chục gia đình đăng ký dịch vụ thêm mã QR vào bia mộ của người thân.
Ngay sau đó, đã có không ít luồng ý kiến trái chiều xung quanh hình thức trên. Trong khi nhiều người cho rằng quét mã QR để "nhận mặt" người đã khuất là ý tưởng sáng tạo và là cách tuyệt vời để ghi nhớ thêm thông tin về người đó thì một số người lại cho rằng việc này thể thiện sự thiếu tôn trọng. Ngoài ra, một số người lo ngại rằng nếu chẳng may hệ thống QR bị lỗi, người quét mã sẽ không thể "nhận mặt" người thân quá cố.
Trung Quốc không phải quốc gia đầu tiên xuất hiện hình thức độc đáo này. Nhiều nghĩa trang tại Mỹ đã thêm mã QR vào bia mộ từ trước đó. Theo chia sẻ của những gia đình áp dụng cách này để tưởng nhớ người thân, mỗi lần đến viếng, họ sẽ đọc lại thông tin và hình ảnh, video đáng nhớ về người đã khuất và điều đó đem lại nhiều cảm xúc hơn việc chỉ nhìn vào bia mộ.
Chưa dừng lại ở đó, các gia đình còn có thể thắp hương hay dâng hoa online thông qua mã QR. Đối với nhiều người Trung Quốc, tuần đầu tiên của tháng 4 thường là tuần để nhớ về nguồn cội khi hàng triệu người trên khắp đất nước tỷ dân đến các khu chôn cất để quét dọn, sửa sang phần mộ và dâng hương hoa lên tổ tiên.
Tuy nhiên, từ năm 2019, thay vì đến trước bia mộ để thắp hương hay đặt vòng hoa, mọi người có thể quét mã QR trước một cái cây trong nghĩa trang. Khi làm như vậy, họ có thể thắm một nén nhang, một ngọn nến hoặc một bông hoa kỹ thuật số cho người đã khuất.
Đây là một phần của dịch vụ xanh do nghĩa trang Anxian Yuan ở tỉnh Chiết Giang cung cấp. Anxian Yuan nằm trong số những công ty đáp lại lời kêu gọi cung cấp các lựa chọn thay thế cho hình thức chôn cất truyền thống của chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang tìm cách thu hẹp đất cho các khu chôn cất.
Những gia đình chọn "mai táng xanh" – chẳng hạn như cất tro hỏa táng trong một thùng đựng phân hủy sinh học và chôn chúng dưới một cái cây hoặc khóm hoa thay vì bia mộ - có thể tưởng nhớ người thân yêu đã khuất bằng cách quét mã QR.
Việc chính phủ Trung Quốc thúc đẩy các hình thức chôn cất mới bắt nguồn từ việc giá bất động sản tăng cao và thiếu đất để mai táng. Tại Bắc Kinh, một phần đất trong khu nghĩa trang bình dân có giá dao động từ 4.900 USD đến 43.000 USD.
Từ năm 2016, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về mai táng xanh, khuyến khích chôn cất trong môi trường sống tự nhiên thay vì lập bia mộ hay khu tưởng niệm. Mặc dù vậy, sự thay đổi này không hề dễ dàng bởi hình thức truyền thống với các nghi lễ phức tạp, xây dựng phần mộ khang trang và những chuyến viếng thăm hàng năm đã trở thành điều không thể thiếu với nhiều gia đình Trung Quốc suốt nhiều năm qua.
(Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, Inkstone)
Người Trung Quốc di chuyển thế nào từ khi có dịch Covid-19?
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc di chuyển của người dân Trung Quốc có nhiều thay đổi. Sau nhiều bất tiện ban đầu, giờ đây, mọi thông tin cần thiết để đi lại của công dân đã được tích hợp trên các nền tảng số WeChat và Alipay.