Khuyến khích việc thực hiện kiểm toán hợp tác phối hợp giữa các SAI

Chia sẻ về kết quả đạt được của ASOSAI và các SAI trong việc thực hiện những khuyến nghị về Kiểm toán môi trường và thực hiện SDG sau ba năm triển khai thực hiện Tuyên bố Hà Nội, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cho biết: 

 ASOSAI đã liên tục đóng vai trò tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng kiểm toán quốc tế thông qua Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường ASOSAI (WGEA) và Ủy ban phát triển năng lực ASOSAI (CDC). Cụ thể, Nhóm ASOSAI WGEA luôn tích cực đóng góp cho việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các SAI thành viên, khuyến khích việc thực hiện kiểm toán hợp tác phối hợp giữa các SAI, thực hiện khảo sát nhu cầu SAI thành viên về kiểm toán môi trường, thông qua Kế hoạch hoạt động 2020-2022, thành lập giải thưởng “Tầm nhìn Xanh.”

{keywords}
ASOSAI 2022-2027 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện SDGs. Ảnh minh họa

Cùng với đó, các SAI đã tích cực áp dụng khoa học và công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán môi trường, như tăng cường sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GIS) và công nghệ viễn thám để đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu hoạt động sử dụng đất đai; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát…

Dấu ấn quan trọng của ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021 là việc thống nhất thành lập Nhóm công tác về thực hiện SDGs ngay tại Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 54 tháng 7/2019 tại Kuwait. Đây là sáng kiến đầu tiên và tiên phong của Nhóm làm việc khu vực của INTOSAI trong việc thực hiện SDGs. Việc thành lập Nhóm công tác SDGs sẽ được thông qua tại Đại hội ASOSAI lần thứ 15 cho thấy sự sẵn sàng và chủ động của ASOSAI đối với những vấn đề nghị mang tính thời sự toàn cầu.

Sang giai đoạn 2020-2022, ASOSAI đã phối hợp với Cơ quan sáng kiến phát triển và Ủy ban chia sẻ kiến thức của INTOSAI (IDI-KSC) triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề: “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 3 quốc gia khu vực Thái Bình Dương. Đây là chương trình hợp tác thử nghiệm ở quy mô lớn, hướng tới mục tiêu và thành tựu là sự tiếp cận công bằng hơn với các hệ thống y tế quốc gia và ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người khuyết tật, người nghèo…

Kết quả cuộc kiểm toán hợp tác được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự bền vững của hệ thống y tế công cộng quốc gia thông qua kiến nghị theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI về nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường năng lực cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro và quản lý rủi ro sức khỏe quốc gia và toàn cầu. Đây có thể nói là một nỗ lực rất lớn của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tạo nên khủng hoảng và hệ lụy khó lường trên quy mô toàn cầu.

Theo bà Hà Thị Mỹ Dung, các cuộc kiểm toán nói trên đã tạo ra công cuộc kiểm toán môi trường và góp phần thực hiện mục tiêu SDGs ngày càng toàn diện, mạnh mẽ, đưa ra các phát hiện và kiến nghị kiểm toán hết sức giá trị cả về mặt chuyên môn và quản lý chính sách.

Thứ nhất, kiểm toán giúp chính phủ áp dụng các biện pháp ngày càng mạnh mẽ và kịp thời để bảo vệ hệ môi trường sinh thái đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan trong việc khắc phục các vấn đề một cách nghiêm túc và chủ động hơn.

Thứ hai, việc thực hiện kiểm toán sẽ thiết lập cơ chế dài hạn và tạo điều kiện cho việc ban hành và sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý và khung chính sách về vấn đề môi trường quốc gia.

Thứ ba, thông qua kiểm toán sẽ có thể đánh giá toàn diện tính phù hợp của các chương trình, dự án của chính phủ từ góc độ phát triển bền vững, lập kế hoạch chung về môi trường, thực hiện các chương trình/dự án để quản lý các mục tiêu, thiết lập các tiêu chuẩn, quy định quản lý và hình thành cơ chế thực hiện chính sách môi trường.

Thứ tư, SAI chuyển đổi phương pháp tiếp cận từ thực hiện kiểm toán rời rạc, đơn lẻ sang tập trung toàn bộ năng lực kiểm toán vào kiểm tra tổng thể quy trình chính sách thông qua kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá việc thực hiện mục tiêu chính sách mong muốn. Nhiều SAI hướng tới thực hiện kiểm toán “thời gian thực” giúp theo dõi tình hình thực hiện chính sách/chương trình và đưa ra các biện pháp cải thiện ngay trong quá trình thực hiện.

Thứ năm, các chương trình/dự án kiểm toán này đã tạo ra tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của các SAI thông qua việc thúc đẩy chia sẻ kiến thức, áp dụng thực tiễn tốt cũng như hỗ trợ các SAI trong việc xây dựng năng lực chuyên môn và nâng cao năng lực tổ chức.

ASOSAI 2022-2027 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện SDGs

Trong nhiệm kỳ mới, nội dung Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường và thực hiện SDGs sẽ luôn được tiếp tục kế thừa, phát triển như trụ cột ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược cũng như các văn kiện quan trọng của ASOSAI trong các giai đoạn tiếp theo, gần nhất là Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027 và Tuyên bố Bangkok.

Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027 sẽ tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện SDGs trong Mục tiêu chiến lược số 2: “Thúc đẩy nỗ lực của SAI trong việc đạt được SDGs” với những hành động cụ thể trong Ma trận thực hiện do Nhóm công tác ASOSAI về SDGs với sự dẫn dắt của SAI  Kuwait.

Bên cạnh đó, mục tiêu thực hiện SDGs một lần nữa được kế thừa và phát triển trong Tuyên bố Băng Cốc do SAI Thái Lan, Chủ tịch nhiệm kỳ 2021-2024 dự thảo: “Tuyên bố Hà Nội đã khẳng định những lợi ích, nỗ lực và đóng góp của ASOSAI cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực trong cộng đồng ASOSAI về lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.

Thông qua Tuyên bố Hà Nội, ta có thể nhận ra được tầm quan trọng của việc các SAI nỗ lực theo đuổi khái niệm “Xây dựng lại tốt hơn” (Building Back Better), để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới.

Với khuôn khổ của hai trụ cột chiến lược được khởi xướng trong Tuyên bố Hà Nội, các SAI có thể dễ dàng đưa ra các khuyến nghị mang tính xây dựng cho tất cả các bên liên quan trong việc hướng tới phục hồi nền kinh tế, thiết kế lại một thế giới bền vững và linh hoạt hơn cũng như đương đầu một cách hiệu qủa hơn với những thách thức to lớn ở phạm vi khu vực và thế giới”.

Hằng Nga