Thời gian qua, tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang dù đã giảm nhưng tỷ lệ chưa cao.
Trước đây, tội phạm mua bán người thường có sự cấu kết giữa đối tượng trong và ngoài nước, nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở lại đây, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang dần chuyển hướng sang hoạt động trong nội địa, liên tỉnh, tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn.
Từ năm 2022 đến nay, cơ quan công an đã tiếp nhận, giải quyết 8 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 5 vụ án với 12 bị can. Cơ quan chức năng cũng đã tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ 10 nạn nhân đều là nữ bàn giao về cho gia đình, chính quyền địa phương theo quy định.
Gần đây nhất, ngày 11/7, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an thành phố Tuyên Quang phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu của tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi, gồm: Trần Việt Nam, trú tại Khu Đầu, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Nguyễn Văn Tài, trú tại tổ 2 và Lê Trung Quý, trú tại tổ 17, cùng phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, các đối tượng có hành vi mua bán cháu P.N.T.D, sinh năm 2008, trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc để phục vụ trong các quán karaoke trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Vụ việc đã được bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố 3 đối tượng trên theo quy định.
Chiều 20/7, Công an tỉnh Tuyên Quang đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Thị Hiền (SN 1990) ở thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang về tội Mua bán người.
Từ tháng 5 - 7/2023, Đặng Thị Hiền đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân của mình mang tên “Thảo Hiền tq” đăng tải nội dung tuyển người đi xuất khẩu lao động với mức lương từ 17 - 25 triệu đồng, để lừa các nạn nhân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.
Với thủ đoạn trên, Đặng Thị Hiền đã lừa bán 3 nạn nhân sang Campuchia để làm việc tại các tụ điểm đánh bạc trên mạng Internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Đ.V.D. (SN 1996), chị B.T.T. (SN 1997) và B.V.Đ (SN 1986), cả 3 cùng ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Các vụ án kể trên chỉ là một số trường hợp điển hình cho thấy sự liều lĩnh của tội phạm mua bán người.
Những năm gần đây, đa số nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là người dưới 16 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm việc làm. Ở độ tuổi này, nạn nhân dễ nhẹ dạ cả tin, trong đó có những cháu ham chơi, thiếu sự trông nom, quản lý của gia đình nên dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo mắc bẫy tội phạm mua bán người.
Các đối tượng phạm tội sẽ thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook... để đăng tuyển nhân viên rót bia, bấm bài, hát karaoke và hứa hẹn với nạn nhân việc làm có thu nhập cao. Khi gặp “con mồi”, bọn chúng sẽ lừa bán nạn nhân cho những đối tượng có nhu cầu cần tuyển nhân viên nữ phục vụ tại các quán karaoke để hưởng lợi bất chính.
Trước khi thực hiện giao dịch, các đối tượng thường có sự câu kết, thống nhất chặt chẽ nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Các đối tượng tìm mọi cách biến tướng, lách luật như ép nạn nhân (nhân viên) phải viết “Đơn xin làm việc tự nguyện”. Số tiền đối tượng chuyển nhượng nhân viên với nhau thì tùy vào giá mua mà yêu cầu nhân viên phải nhận là đã ứng số tiền này từ đối tượng để chi tiêu cá nhân, sau đó phải viết trong đơn là làm việc cho đến khi trừ hết khoản tiền này.
Bên cạnh đó, các nạn nhân và người có liên quan thường có tâm lý lo sợ bị trả thù nên ngại đi khai báo hoặc khai báo không đầy đủ. Do vậy, việc chứng minh và thu thập tài liệu gặp rất nhiều khó khăn.
Công tác phát hiện các vụ việc liên quan đến mua bán người vẫn chủ yếu dựa vào đơn tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Sau khi bị lừa bán, nạn nhân cung cấp địa chỉ nơi lưu trú ở Trung Quốc không rõ ràng, gây khó khăn cho việc phối hợp giải cứu. Có trường hợp nạn nhân tự trốn thoát về nước nhưng do sợ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm nên đã không dám viết đơn tố giác tội phạm.
Bên cạnh đó, một số đối tượng có liên quan mua bán người khi bị phát hiện chỉ khai báo là đưa nạn nhân ra nước ngoài làm gái bán dâm để hưởng lợi chứ không phải mua bán người nên khó cho việc điều tra, xử lý đối tượng về hành vi mua bán người.
Ngoài ra, sự phát triển công nghệ thông tin cũng đặt ra những thách thức mới khi đối tượng tiếp cận người bị hại thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook... gây khó khăn cho công tác phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này.
Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Bởi khi đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là thông tin cập nhật về các phương thức, thủ đoạn mua bán người, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì sẽ giảm nguy cơ, giảm tội phạm mua bán người.
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Tuyên Quang đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an cấp huyện triển khai đồng bộ những biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ mua bán người.
Công an tỉnh khuyến nghị, mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao hiểu biết pháp luật, tự bảo vệ mình và người thân để không mắc bẫy của tội phạm mua bán người. Khi phát hiện, nghi ngờ hành vi mua bán người, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc gọi Tổng đài 111 để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn xử lý kịp thời.
Tội phạm mua bán người sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lừa gạt mua bán nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân hãy chủ động tự bảo vệ bản thân, đề cao cảnh giác sớm nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm nguy hiểm này.