Việt Nam có 3.260km đường bờ biển trải dài trên 28 tỉnh thành. Với 1 triệu km2 biển cùng 12 huyện/ thành phố đảo, chính vì vậy hoạt động đánh bắt hải sản vốn rất sôi động và là nghề truyền thống của ngư dân nhiều địa phương từ ngàn đời qua.

Trong khi đó, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và quy định của Luật Biển Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta được mở rộng lần lượt không quá 200 và 350 hải lý, tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Như vậy, với quy định này, trên thực tế trong 1 triệu km2 biển Việt Nam sẽ tồn tại một số vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Do đó, việc quản lý, sử dụng các vùng biển chồng lấn phải trên cơ sở những thỏa thuận phân định ranh giới và hợp tác trên biển giữa các nước.

Tính đến nay Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận phân định và hợp tác trên biển với các nước có vùng biển chồng lấn liền kề. Cụ thể, trong Vịnh Thái Lan chúng ta đã ký Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia (năm 1982); Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Malaysia (năm 1992); Hiệp định phân định ranh giới biển với Thái Lan (năm 1997).

Ở phía Bắc và cụ thể là Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam đã cùng Trung Quốc ký các hiệp định, như: Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và Hiệp định về hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ (năm 2000). Ở khu vực nam Biển Đông, Việt Nam ký thêm Hiệp định phân định thềm lục địa với Indonesia (năm 2003).

Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để Việt Nam tăng cường hợp tác về quản lý, bảo vệ, tuần tra chung cũng như cùng nhau thăm dò, khai thác tài nguyên… trên vùng biển chồng lấn với các nước liên quan kể trên. Tuy nhiên, tính đến tháng 12/2023, Việt Nam chưa có thỏa thuận nào về khai thác thủy sản chung trên các vùng biển chồng lấn với các nước láng giềng.

Trong khi đó, các tiêu chuẩn IUU có tới nội dung khai thác hải sản trong khu vực chồng lấn. Vì thế, mặc dù ngư dân các nước được phép khai thác thủy sản trên các vùng biển chồng lấn với nhau với nỗ lực phải tuân thủ những quy định chung về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trên nguyên tắc phát triển bền vững. Nhưng những tranh chấp, va chạm giữa các quốc gia láng giềng là điều khó tránh khỏi khi ngư dân mải theo luồng cá.

Chính vì lẽ đó, thời gian qua Việt Nam đã tăng cường quản lý tàu cá, yêu cầu lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình 24/7; nghiêm cấm các hành vi/ phương pháp sử dụng ngư cụ, thuốc nổ… khai thác thủy sản mang tính tận thu, hủy diệt; hoặc tác động xấu đến môi trường sống của các loài thủy sinh; tuân thủ luật pháp Việt Nam và luật pháp của nước có vùng biển chồng lấn…

nuoi bien 12.jpg
Khai thác hải sản trong vùng chồng lấn với các quốc gia có biển luôn là chủ đề thời sự.

Đặc biệt, không chỉ trên các diễn đàn ngoại giao đa phương, song phương mà trên thực địa,  tùy thuộc vào tính chất, mức độ thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước có vùng biển chồng lấn liền kề mà Việt Nam có những quy định cụ thể phù hợp khác. Đơn cử, ở vùng biển Tây Nam tiếp giáp với Campuchia do 2 nước có sự đan xen vùng nước lịch sử, vùng khai thác chung nên hai nước thỏa thuận ngư dân khai thác thủy sản được phép giữ tập quán làm ăn từ trước, miễn là không có sự can dự của tàu nước thứ ba.

Hoặc trên Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam coi trọng các thỏa thuận khai thác với Trung Quốc. Theo đó, việc khai thác thủy sản vùng vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ phải theo quy định của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; trong đó, quy định cụ thể việc khai thác thủy sản ở vùng đánh cá chung, vùng dàn xếp quá độ; thủ tục xin cấp giấy phép, nộp lệ phí; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tránh trú bão trên biển khi vào mùa mưa bão trên cơ sở hỗ trợ ngư dân 2 nước, tránh các tranh chấp...

Thanh Hà và nhóm PV, BTV