Bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình có 57 hộ dân, 203 nhân khẩu. Đồng bào nơi đây chủ yếu là người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt. Bao đời nay, bà con chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc vào núi rừng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Trước năm 2020, toàn bộ các hộ dân trong bản đều thuộc diện hộ nghèo.

Ông Trần Nhân Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết, để giúp bà con bản Cà Xen vươn lên, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống, sản xuất cho đồng bào. 

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng bà con dần có ý thức vươn lên trong sản xuất để thoát nghèo. Đồng hành cùng bà con, địa phương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động.

Do đó, bà con có điều kiện tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm, hỗ trợ thanh niên sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

images801091_z6115297715504_89b8d674cb494dc9ce92d952d59264a6.jpg
Thu hoạch lúa ở bản Cà Xen

Đến nay, cả bản có hàng chục lao động đang làm ăn xa ở các công ty, xí nghiệp, có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Cùng đó, các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống đập, kênh mương thủy lợi, đường giao thông… được quan tâm đầu tư, từng bước làm thay đổi diện mạo bản làng. 

Khi có đường, điện và các cơ sở vật chất, bà con bản Cà Xen bắt đầu mở rộng phát triển chăn nuôi, trồng rừng, bảo vệ rừng để tăng thêm thu nhập, bản có 4,6ha đất trồng lúa nước hai vụ, bảo đảm cung cấp đủ lương thực cho cả bản. 

Ngoài ra, bà con còn trồng ngô, lạc, sắn, khoai, các loại rau màu với diện tích hàng chục ha; gần 20ha rừng trồng, 40 con trâu, bò và hàng chục con lợn, trên 2.000 con gia cầm các loại... Nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật nên công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được chú trọng, từ đó, số lượng đàn gia súc, gia cầm trong bản liên tục tăng lên... 

Cuối năm 2022, gia đình anh Hồ Xuân và Cao Thông đã tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo vì thấy bản thân có sức khỏe, đất đai nên không muốn trông chờ, ỷ lại Nhà nước mà muốn tự lực vươn lên phát triển kinh tế. Một năm sau đó, gia đình anh Hồ Bợt, Hồ Chí Thành cũng tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, cả bản Cà Xen đã có 6 người dân viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

“Dù chưa dư dả gì nhưng so với các hộ khác trong bản thì cuộc sống gia đình tôi ổn định. Tôi là đảng viên nên phải gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động tại địa phương”. Anh Hồ Chí Thành, Bí thư Chi bộ bản Cà Xen chia sẻ.

Ngoài làm 8 sào ruộng, 4ha rừng keo và nuôi 4 con trâu, 4 con bò, 7 sào đất màu để kinh tế gia đình phát triển, anh Thành cũng gần dân, sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, dành nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động bà con tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.

Học theo Hồ Chí Thành, Hồ Xuân, Hồ Bợt, Cao Thông, cuối năm 2024, tiếp tục có hai hộ dân ở bản Cà Xen viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đó là hộ bà Hồ Thị Liệu và Hồ Thị Yên. 

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư cho bản Cà Xen tu sửa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông để bà con tiện đi lại, sản xuất, bảo vệ rừng. Đặc biệt, xã tập trung hỗ trợ thêm công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi và xây dựng thêm các mô hình sinh kế giúp nhiều hộ dân trong bản vươn lên thoát nghèo, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Trần Nhân Sơn cho biết thêm.