Bạo lực gia đình xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân quan trọng. Đối tượng chịu sự bất bình đẳng chủ yếu là phụ nữ

Những phụ nữ từng bị chồng, bạn tình bạo lực thể xác khi được hỏi về hoàn cảnh hoặc tình huống dẫn đến hành vi bạo lực của chồng, bạn tình đã nhắc đến nhiều nhất các lý do: vấn đề gia đình (50,8%), say rượu (40,9%), các vấn đề về tiền bạc (18,8%), có vấn đề với việc làm, ghen tuông (7,3%), chứng tỏ mình là ông chủ (5%), không có lý do cụ thể và ở nhà không có thức ăn cùng là 4,5%, muốn dạy cho vợ một bài học (4,3%), không nghe lời (4,2%), không có việc làm (3%), từ chối quan hệ tình dục (1,5%), đang mang thai (0,2%).

cong tac gia dinh 1.jpg
 Tuyên truyền nâng cao nhận thức là giải pháp quan trọng phòng chống bạo lực gia đình.

Những định kiến giới như: chồng có quyền dạy vợ; chồng được hưởng quyền nhiều hơn vợ; chồng là người chủ gia đình, có quyền quyết định mọi việc trong gia đình… khiến cho phụ nữ trở thành nhóm có nguy cơ bị bạo lực gia đình cao.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp, gián tiếp điều chỉnh lĩnh vực này, như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Tuy vậy, sự quan tâm và hiểu biết của người dân về phòng chống bạo lực gia đình chưa sâu, tình trạng bạo lực gia đình chưa có nhiều thay đổi. Hơn thế, tình trạng này đang dần trở thành hiện tượng đáng báo động của xã hội, là một vấn nạn nhức nhối, nan giải, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực gia đình.

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.

Tại Điều 4 Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình có nội dung: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới. 

Yêu cầu của công tác thông tin, truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình là phải phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn; chú trọng đến trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-UBDT ngày 24/2/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cũng đặt ra mục tiêu là tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho gia đình người dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Duy Tiến và nhóm PV, BTV