Theo Phó giáo sư Hà Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), các quy trình thu gom xử lý rác thải y tế được bệnh viện thực hiện đúng quy trình. Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi nhân viên y tế tự ý thu gom, bán chất thải hoặc vận chuyển chất thải ra ngoài bệnh viện mà không được phép.  Không để chất thải lẫn với đồ vải hoặc dụng cụ y tế, đậy nắp, bẻ cong, dùng tay tháo rời bơm kim tiêm. Việc vận chuyển chất thải được dùng xe đúng màu quy định, xe có nắp đậy kín hoặc xách túi đựng chất thải sắc nhọn 

Mọi chất thải y tế nguy hại phải được thu gom cô lập ngay khi phát sinh vào thùng chứa chất thải thích hợp. Khi cô lập và thu gom chất thải, người làm phát sinh chất thải phải phân loại chất thải theo hướng giảm thiểu chất thải y tế nguy hại. Theo quy trình tại đây, nhân viên cô lập chất thải tuyệt đối không cô lập chất thải sắc nhọn với các chất thải khác, không để lẫn chất thải dính máu dịch với chất thải sinh hoạt. Người cô lập chất thải và thu gom không đúng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước bệnh viện. 

Các thùng thu gom chất thải phải đúng màu sắc quy định. Ví dụ những thùng có màu vàng là nơi đựng các loại chất thải lâm sàng sắc nhọn và không sắc nhọn. Thùng màu xanh đựng chất thải sinh hoạt. Còn thùng có màu đen với chất thải phóng xạ, hoá học. Bên trong mỗi thùng phải luôn có túi nilon màu sắc tương ứng với màu sắc của thùng. 

cha thai y te bv nong nghiep.png
Chất thải y tế sau khi sử dụng xong sẽ phân loại ngay tại nơi phát sinh. Ảnh: K.Chi.

Thùng gom chất thải phải có đạp chân hoạt động tốt, bề mặt luôn sạch, không có bụi bẩn. Túi nilon chứa chất thải phải có dung tích chứa phù hợp với thùng đựng chất thải, dày, dai, làm bằng nhựa PE hoặc PP. 

Các chất thải khi được cô lập và thu gom sẽ được vận chuyển tới khu tập trung của bệnh viện bằng thùng chuyên dụng mỗi ngày ít nhất 1 lần. Các chất thải không được để quá đầy, không rò rỉ nước thải, rơi vãi ra ngoài môi trường, tuyệt đối không được xách túi chất thải đi bên ngoài. 

Sử dụng thang máy vận chuyển chất thải sẽ không được để nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đi cùng. Thang máy sau mỗi lần vận chuyển chất thải cần được nhân viên vận chuyển lau khử khuẩn toàn bộ bề mặt của thang máy.

Theo PGS Tùng, quy định khi chất thải được đưa tới nơi tập trung sẽ được khóa lại và có biển báo nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực. Khu lưu trữ phân loại riêng biệt khu để chất thải sinh hoạt, khu để chất thải nguy hại. Hàng ngày, chất thải được chuyển tới nơi thu gom và xử lý chất thải của Thành phố bằng xe chuyên dụng theo hợp đồng của bệnh viện với Công ty vệ sinh môi trường có chức năng xử lý chất thải. Nếu chất thải tăng đột biến, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện sẽ liên hệ với đơn vị hợp tác vận chuyển chất thải đi tiêu huỷ, đảm bảo không lưu giữ chất thải trong bệnh viện quá 48 giờ. 

Ban lãnh đạo bệnh viện cũng yêu cầu khoa kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuyên giám sát, theo dõi số lượng chất thải được vận chuyển đi tiêu huỷ hàng ngày, xác nhận biên bản nghiệm thu theo hợp đồng của bệnh viện với các công ty môi trường.

Các nhân viên làm công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phải qua khoá tập huấn Quản lý chất thải y tế. Nhân viên chưa được tập huấn không được làm công việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Khi thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhân viên phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân. Bệnh viện cũng thường xuyên tập huấn về quản lý chất thải bệnh viện cho tất cả nhân viên y tế đảm bảo không để xảy ra sự cố môi trường về rác thải y tế. 

K.Chi