Thị trường chứng khoán tuần qua 11-15/9 ghi nhận nhịp rung lắc mạnh với xu hướng bán áp đảo ở đa số các nhóm ngành, nhất là bất động sản. VN-Index có lúc rơi hơn 30 điểm để rồi kết tuần hồi phục nhẹ còn giảm hơn 14 điểm (-1,14%) về mức trên 1.227 điểm.

Diễn biến đồng pha với tỷ giá

Xu hướng chủ đạo chỉ thị trường tuần qua vẫn là điều chỉnh mạnh, nhất là khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi thông tin tỷ giá liên tục tăng cao. Xu hướng đó được ghi nhận qua hoạt động bán ròng mạnh của khối ngoại và là tác nhân chủ đạo gây áp lực đè nặng lên thị trường chứng khoán.

Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích tại VNDirect, nhận định nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến diễn biến tỷ giá. Ông nói "‘áp lực gia tăng trong những tuần gần đây và động thái bán ròng của khối ngoại đã làm giảm sự hưng phần của thị trường”.

Cụ thể trong tuần qua, khối ngoại sàn HoSE thực hiện bán ròng đến 2.147 tỷ đồng, chủ yếu thông qua phương thức khớp lệnh. Đây cũng là tuần ghi nhận hoạt động tái cơ cấu danh mục của 3 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lớn nhất trên sàn.

Xét riêng từng mã, các cổ phiếu HPG của Hòa Phát, STB của Sacombank và SHB bị xả mạnh nhất với giá trị lần lượt là 709 tỷ, 378 tỷ và 212 tỷ đồng. Ngoài ra các mã hàng đầu khác như VIC, MWG, VCI, KBC cũng bị rút hơn trăm tỷ đồng.

Diễn biến cặp tỷ giá USD/VND từ đầu năm 2023. (Nguồn: TradingView.)

Thực tế, diễn biến của dòng tiền từ khối ngoại khá tương đồng của xu hướng của tỷ giá. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều sang xu thế bán ròng liên tục kể từ khoảng tháng 4, cũng là thời điểm mà tỷ giá USD/VND có xu hướng đi lên ngày càng mạnh. 

Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến 15/9, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi các cổ phiếu trên sàn HoSE với tổng giá trị lên đến 13.160 tỷ đồng. Riêng thời điểm nửa đầu tháng 9 với áp lực tỷ giá mạnh nhất, khối ngoại đã xả ròng 3.456 tỷ đồng.  

 Áp lực rút ròng của khối ngoại có một phần không nhỏ đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn như Fubon ETF, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF. Chỉ riêng nhóm quỹ này đã bán ròng khoảng 3.300 tỷ đồng kể từ đầu năm (tổng khối ngoại bán ròng hơn 7.200 tỷ đồng từ đầu năm). 

Xu hướng bị rút ròng của các quỹ ETF diễn ra trong bối cảnh tỷ giá leo thang trong thời gian qua. Trong môi trường tỷ giá tăng, các khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị mất lợi thế trong việc nắm giữ cổ phiếu Việt Nam, bởi các khoản đầu tư bằng VND nếu quy đổi thành USD sẽ tạm ghi nhận "lỗ".

Báo cáo của SSI Research gần đây cũng cho thấy các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam đã bị rút ròng hơn 3.400 tỷ đồng trong tháng 8, là con số lớn nhất theo tháng từ trước đến nay. Hoạt động rút vốn này chịu ảnh hưởng mạnh từ tâm lý quản trị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài; thông thường các giai đoạn tỷ giá USD/VND biến động mạnh cũng là những giai đoạn dòng vốn ETF ghi nhận rút ròng.

Chưa quá đáng ngại? 

Mặc dù yếu tố tỷ giá đang có những tác động đáng kể đến dòng vốn của khối ngoại trên sàn chứng khoán, tuy nhiên phần lớn các chuyên gia và đơn vị phân tích cho rằng biến động tiền tệ này vẫn chưa đến mức quá quan ngại. 

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố mới nhất ở mức 24.036 đồng/USD và là mức đỉnh lịch sử của cặp tỷ giá này. Giá USD ở các ngân hàng thương mại dao động khoảng 24.000-24.440 đồng theo chiều mua và bán, giá USD trên thị trường tự do khoảng 24.180-24.260 đồng. 

Tỷ giá trung tâm vừa lập đỉnh lịch sử 24.036 đồng/USD. (Ảnh: Hoàng Hà).

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital gần đây cho biết tỷ giá USD đang có sự chênh lệch giữa thị trường chính thống và thị trường chợ đen, nếu chênh lệch lớn thì đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trong nước đang đầu cơ VND. Tỷ giá có dấu hiệu tăng cao gần đây do chênh lệch giữa lãi suất VND và USD, cũng như nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp.

"Từ tháng 6 trở đi, vấn đề tỷ giá đã không còn quá lo ngại do biến động tỷ giá chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tương đối cao. Đến khi Mỹ không còn thắt chặt tiền tệ, Việt Nam sẽ có rất nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ", ông Tuấn nói thêm.

Còn ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng tỷ giá trong nước không quá đáng ngại, biến động tỷ giá của các quốc gia khác mới là rủi ro đáng quan tâm.

Theo báo cáo của SSI Research, biến động của tỷ giá gần đây nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, từ đó tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III.

Tuy nhiên, điểm tích cực là vị thế của NHNN tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái (nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm) cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực như FDI giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD (tăng 1,5% so với cùng kỳ) hay cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 19,9 tỷ USD.

Đồng quan điểm, khối phân tích VNDirect tin rằng NHNN vẫn sẽ nhiều công cụ để ổn định tỷ giá trong năm nay như thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao
khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam", chuyên gia VNDirect bày tỏ.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cũng lưu ý rằng tỷ giá tăng sẽ gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu tăng lên. Do đó, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp.