Theo UBND tỉnh Long An, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của địa phương liên tục giảm qua 3 năm. Tổng số hộ nghèo cuối năm 2023 là 3.654 hộ trên tổng số 484.930 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,75% (giảm 1.110 hộ so với 2022). Tổng số hộ cận nghèo cuối năm 2023 là 9.026 hộ trên tổng số 484.930 hộ dân, chiếm tỷ lệ 1,86% (giảm 2.023 hộ so với 2022). Đặc biệt toàn tỉnh có 8 xã không còn hộ nghèo ở các huyện Bến Lức, Châu Thành, Cần Giuộc và Cần Đước. Đó là kết quả sau thời gian Long An triển khai Phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn.
Nhờ sự chung tay của các cấp, ngành, người dân, địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị với phong trào thi đua "Nuôi heo đất", "Hũ gạo yêu thương", "Tấm vé yêu thương" với tổng kinh phí hỗ trợ trên 23 tỷ đồng.
Đồng thời, chính quyền các cấp luôn ưu tiên dành một phần ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay với các đối tượng an sinh xã hội. Giai đoạn 2021 - 2023, thực hiện cho vay trên 1.300 tỷ đồng, với hơn 27.109 lượt khách hàng được vay vốn.
Trong thời gian tới, Long An tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm với công tác giảm nghèo; thông tin kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương.
Động viên, khích lệ, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội; kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu trong cộng đồng.
Đồng thời, tập trung rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định rõ từng người trong độ tuổi lao động của từng hộ không có kiến thức sản xuất; không có kỹ năng lao động để có phương án tổ chức đào tạo nghề cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.