Trong 2 ngày 12 và 13 tháng 11, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án “Truyền thông phòng, chống mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn” giai đoạn 2023 – 2024” dưới sự tài trợ của Chính phủ Vương quốc Anh.

Hội thảo quy tụ hơn 50 đại diện đến từ Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN các cấp, cán bộ đoàn thanh niên, cán bộ văn hóa, công an và đại diện các trường THPT, trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai dự án.

IOM Việt Nam và các đối tác đã cùng nhìn lại những thành tựu chính và chia sẻ kinh nghiệm, điển hình tốt trong khuôn khổ dự án, đồng thời lập kế hoạch triển khai chi tiết đến 2025 để tiếp tục phát huy và nhân rộng các hình thức truyền thông hiệu quả ở cả cấp trung ương và địa phương.

Theo số liệu của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023, trong giai đoạn 2017-2023, di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tương đương với hơn 100.000 người được đưa đi hằng năm, tập trung nhiều nhất tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Di cư du học cũng có mức tăng tương tự; mặc dù đến nay chưa có số liệu chính xác nhưng con số ước tính hiện đạt trên 250.000 người, chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Trung Quốc, Anh, Đức.

Tỷ lệ người Việt Nam di cư là nữ giới có chiều hướng tăng. Dòng di cư của người nước ngoài vào Việt Nam cũng tương đối đa dạng, đáng kể nhất là di cư lao động với 475.198 người nước ngoài được cấp phép lao động từ 2017-2022.