Cách đây một năm, vì nhẹ dạ cả tin mà chị Lê V. trú tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Chị V. cho biết, khi quyết định trốn sang Lào làm việc, đối tượng lừa đảo thường xuyên tiếp cận và thuyết phục chị bằng những lời lẽ ngon ngọt rằng sang đó, chị chỉ phải bán hàng online có mức thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng khi sang tới nơi, chị bị ép gọi điện thoại để lừa đảo, du dỗ người Việt tham gia app đầu tư tài chính, tiền ảo, thực hiện nhiệm vụ hưởng hoa hồng… Nếu chị không làm sẽ bị đánh đập hoặc bị bán sang công ty khác; hoặc nếu muốn về quê thì chị V. phải nộp tiền chuộc. Biết mình bị lừa, chị V sau đó đã liên hệ gia đình để được giải cứu.
Được biết, tại tỉnh Điện Biên, tình hình tội phạm mua bán người tuy có giảm, song phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng triệt để tận dụng mạng xã hội, sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân vùng cao để lôi kéo, dụ dỗ.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội mua bán người, thời gian qua, lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đấu tranh, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm.
Theo Trung tá Lê Ngọc Hoàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Điện Biên, việc đấu tranh với tội phạm mua bán người là cả một quá trình cam go bởi các đối tượng hoạt động chủ yếu ở bên kia biên giới. Song với tinh thần quyết tâm trấn áp, không bỏ sót, bỏ lọt tội phạm, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ, liên hoàn các biện pháp nghiệp vụ nhằm chặn đứng đường dây, tổ chức có hành vi mua bán người, xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã triệt phá 4 chuyên án, bắt giữ, khởi tố 4 đối tượng về hành vi mua bán người; đồng thời giải cứu thành công 17 nạn nhân về đoàn tụ với gia đình.
Với phương châm "Lấy phòng ngừa làm chủ đạo", lực lượng chức năng, cấp ủy chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng cao về cách nhận diện, phương thức, chiêu bài lừa đảo của đối tượng mua bán người.
9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Điện Biên đã tổ chức hơn 1.000 buổi tuyên truyền với gần 10.000 lượt người tham gia, trong đó tập trung tuyên truyền tại các huyện vùng sâu, vùng xa, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông...
Tại 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, ngoài công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng, các địa phương cũng phát huy hiệu quả các mô hình phòng chống tội phạm ngay từ thôn, bản, như: Tổ tự quản, tự phòng, tự bảo vệ; Khu dân cư phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; Dòng họ bình yên... Đồng thời phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Nhờ đó, vài năm trở lại đây, trên địa bàn 2 huyện này không xảy ra tình trạng mua bán người, nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Cũng theo Trung tá Lê Ngọc Hoàn, thực tiễn trong công tác trong đấu tranh với tội phạm mua bán người, cơ quan chức năng xác định đây là loại tội phạm có độ ẩn rất cao, chủ yếu hoạt động trên các địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người. Do vậy, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm mua bán người thì chủ động tố giác, báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.