Cận kề vực phá sản

Trong hai lần gần nhất, Evergrande nhanh chóng thoát cảnh vỡ nợ sau khi thanh toán cho các chủ trái với khoản tiền lên tới hàng triệu USD. Gần đây nhất, khách hàng của công ty thanh toán bù trừ quốc tế Clearstream đã nhận được tiền lãi đối với 3 loại trái phiếu định danh bằng USD do Evergrande phát hành. Hai nhà đầu tư nắm giữ các lô trái phiếu cũng xác nhận rằng họ đã nhận được tiền thanh toán. Ba khoản thanh toán lãi suất trái phiếu tổng trị giá 148,2 triệu USD đến hạn.

Trước đó, Evergrande đã thoát thảm cảnh vỡ nợ vào phút chót khi trả lãi trái phiếu khoảng 83,5 triệu USD cho các trái chủ trước thời gian ân hạn ngày 23/10. Không rõ nguồn tiền từ đâu. Sang năm, một núi nợ khổng lồ với khoảng 7,4 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước đến hạn thanh toán.

Theo South China Morning Post, tính đến 30/6, tổng sản phẩm bất động sản sẵn sàng được đưa ra thị trường của tập đoàn này có giá trị 144 tỷ NDT (22,3 tỷ USD), thế nhưng, khoản nợ mà Evergrande phải trả vào cuối tháng 6/2022 lại lên đến 240 tỷ NDT.

{keywords}
‘Bom nợ’ 300 tỷ USD Evergrande

Theo Viện nghiên cứu Beike, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của Evergrande hiện ở mức 99,8%. Tỷ lệ nợ trên tài sản của họ, không bao gồm các khoản thu trước, ở mức 81%. Dự trữ tiền mặt chỉ còn 0,67 lần khoản vay ngắn hạn. Evergrande đang nằm trong 2/3 “ranh giới đỏ” mà giới chức nước này đã đặt ra.

Evergrande đã cam kết sẽ trả lãi trái phiếu bằng NDT (dù chỉ bằng hình thức phiếu giảm giá) và đang đàm phán với các trái chủ địa phương để được hoãn thanh toán mà không bị coi là vỡ nợ. Với các trái phiếu bằng USD, bài toán cần giải sẽ khó hơn nhiều, nhưng có lẽ không nhà đầu tư nào muốn số tiền của mình sẽ bốc hơi dễ dàng khi “vẫn còn nước để tát."

Với ít thông tin về khả năng thanh toán và doanh số bán bất động sản giảm 30% trong 12 tháng qua, vẫn còn hoài nghi sâu sắc về khả năng vượt qua khủng hoảng của Evergrande.

Nhiều nhà đầu từng hy vọng Evergrande sẽ được Chính phủ Trung Quốc giang tay cứu giúp vì thuộc diện “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail). Các cấp chính quyền và các thiết chế tài chính nhà nước ở Trung Quốc sẽ phải vào cuộc nếu như đến phút chót, Evergrande vẫn không thể tìm ra phương án thoát hiểm an toàn. Cho đến nay, nhà phát triển bất động sản này chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào là sẽ thoát khỏi cảnh vỡ nợ

Lối thoát nào?

Justin Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners, ví von Evergrande giống như ngọn nến đang cháy ở cả hai đầu. "Họ cần giải quyết sự sụt giảm doanh thu và đồng thời tìm tiền mặt cho các khoản trả nợ", ông giải thích.

Tại Trung Quốc, vỡ nợ không đồng nghĩa với việc công ty phải đóng cửa ngay lập tức. Evergrande được cho là sẽ tiếp tục cố gắng thanh lý tài sản, đồng thời tiếp tục kinh doanh như bình thường, chẳng hạn bán nhà. Nhưng vỡ nợ sẽ đóng lại các cơ hội tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài, đồng nghĩa với việc về sau Evergrande chỉ có thể dựa vào các tổ chức tài chính.

Để thoát cản sụp đổ, Evergrande phải tìm mọi cách xoay sở để tồn tại trong “cuộc chiến sống còn của mình”. Họ đang gấp rút bán tài sản để sửa chữa bảng cân đối kế toán sau nhiều năm mở rộng một cách tràn lan và thiếu kiểm soát.

{keywords}
Evergrande nhiều lần tránh được tình trạng vỡ nợ

Tập đoàn này đang thảo luận với các bên thứ ba để bán cổ phần của mình trong các đơn vị quản lý tài sản và ô tô điện. Ngoài ra, Evergrande cũng tìm cách bán Trung tâm China Evergrande 26 tầng ở Wan Chai, trụ sở chính ở Hồng Kông cho Yuexiu Property ở đại lục, hãng tin Bloomberg đưa tin vào tuần trước.

Hengda Real Estate Group Co Ltd - công ty con chủ chốt của tập đoàn bất động sản China Evergrande - cho biết, Evergrande đã bắt đầu trả nợ cho những người đầu tư vào “sản phẩm quản lý tài sản” (WMP) của tập đoàn này bằng các tài sản bất động sản.

WMP là các sản phẩm đầu tư tài chính với lợi suất cao do các ngân hàng hoặc doanh nghiệp Trung Quốc phát hành. Theo Reuters, các nhà đầu tư nắm giữ WMP của Evergrande có thể lựa chọn chuyển đổi khoản nợ này sang các căn hộ, văn phòng, không gian bán lẻ hoặc bãi đậu xe.

Wu Qiong, Giám đốc điều hành tại BOC International Holdings, đánh giá đợt trả nợ vừa qua là cách để Evergrande câu giờ. "Điều này là tích cực và giúp họ mua được thời gian cần thiết để bán tài sản, củng cố cho việc tái cấu trúc có trật tự", ông nói.

Ivan Li, giám đốc quỹ tại Loyal Wealth Management có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng: “Triển vọng cho Evergrande rất bi quan. Có thể họ sẽ chỉ là tồn tại chứ không còn phát triển được nữa. Thêm vào đó, chính phủ dường như đang cố gắng hạ nhiệt toàn bộ thị trường bất động sản. Tại thời điểm này, không có bất kỳ nhà đầu tư lý trí nào nói Evergrande là đáng mua”.

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc đã thúc giục tỷ phú Hui Ka Yan, người sáng lập Tập đoàn Evergrande, sử dụng tài sản cá nhân để giảm bớt khoản nợ ngày càng tăng của công ty bất động sản.

Tỷ phú Hui Ka Yan, 63 tuổi, sở hữu 10,2 tỷ cổ phiếu Evergande, chiếm 77% cổ phần tập đoàn. Mặc dù giá cổ phiếu của gã khổng lồ bất động sản giảm 80% trong năm nay đã ảnh hưởng đến khối tài sản của Hui Ka Yan, vốn đạt mức đỉnh điểm là 36,2 tỷ USD vào năm 2019, nhưng ông vẫn nằm trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc, với khối tài sản ước tính trong 11,5 tỷ đô la.

Nhìn vào tương lai, triển vọng của Evergrande đang rất bấp bênh với nhiều kịch bản đặt ra cho tập đoàn phát triển bất động sản này.

Thư Kỳ

Thoát cửa tử vào phút chót, Evergrande vẫn khó sống sót

Thoát cửa tử vào phút chót, Evergrande vẫn khó sống sót

Evergrande, tập đoàn bất động sản của Trung Quốc lại một lần nữa thoát cảnh vỡ nợ trong ngày 11/11.