Sáng nay, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) lần thứ nhất khai mạc tại Paris, Pháp với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín cùng 200 khách mời là người Việt thành đạt trong nhiều lĩnh vực.
Sự kiện do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức ngày 30-31/3 dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao.
Các diễn giả trong phiên khai mạc sáng nay đã chia sẻ những lời gan ruột về nâng tầm thương hiệu Việt trong chủ đề “Việt Nam: Lớn hay nhỏ, cũ hay mới”.
Ông Hoàng Chúc. Ảnh: Tiến Hưng |
Theo tỷ phú Hoàng Chúc (1 trong 200 doanh nhân giàu nhất nước Pháp), nước ngoài nhìn nhận, VN là dân tộc đủ khả năng đem lại độc lập cho chính mình. “Là người Việt, tôi có những đặc tính đủ để xây dựng thành công. Đây là niềm tin vào nguồn gốc của mình, niềm tin giúp tôi đi tới thành công”, ông nhấn mạnh.
Tỷ phú cho biết, ông từng làm việc ở nhiều quốc gia và nhận được nhiều thiện cảm cũng như tôn trọng từ các đối tác khi họ biết ông là người gốc Việt.
“Đấy là một lợi thế rất lớn và quyết định khi ta tới một đất nước. Phải biết dùng lợi thế mình là người VN”, ông nói.
Để đón nhận hơn nữa những đối tác nước ngoài đến làm ăn ở VN, theo ông Hoàng Chúc, cần có cơ chế tài chính lành mạnh và rõ ràng, minh bạch hơn.
"Tôi vẫn nói VN là đất nước tuyệt vời, trong 2 thập kỷ gần đây có mức tăng trưởng 6-7% khiến nhiều nước mong muốn. VN có vai trò của mình trên trường quốc tế. Châu Á là thị trường rất lớn và vào thị trường này thông qua cửa ngõ VN là mong muốn của nhiều công ty quốc tế.
VN cần tự do nhiều hơn trong quá trình phát triển kinh tế của mình. Tôi mong một ngày nào đó, khi nói đến VN, người ta sẽ nói VN là đất nước nên đặt chân đến - ông Chúc nói.
VN đặc biệt cần có thương hiệu quốc gia riêng
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và EU, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại QH Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ, năm 1985, 10 năm sau khi VN thống nhất, nhân viên hải quan tại sân bay ở Kenya vẫn hỏi bà “VN vẫn còn chiến tranh phải không?”.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh |
Bà cho rằng, sau nhiều thập kỷ chiến tranh, VN đã bước ra khỏi tro tàn và hướng tới phát triển. Ngày nay, ấn tượng mạnh mẽ nhất với ai lần đầu tiên đến VN là sức sống mãnh liệt, khát vọng vươn tới của con người, dân tộc VN.
Bà kể, những năm 1990 có chuyên gia Mỹ nói với bà: “Tôi chưa bao giờ phải thương hại người nghèo ở Việt Nam kể cả ở vùng sâu vùng xa, bởi nơi đó một ông già dù rất bình thường vẫn toát lên ý chí vươn tới, phấn đấu vì thế hệ tương lai”.
Nêu câu hỏi cần làm gì để xây dựng thương hiệu quốc gia, bà nêu rõ, thương hiệu quốc gia dân tộc là không thể manh mún, cần có ý chủ đích rõ ràng. Đây chính là lúc VN cần làm chủ thương hiệu quốc gia của mình. Với những điều kiện trong và ngoài nước, với nội lực vị thế quốc tế, VN đang có điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu quốc gia bền và mạnh hơn.
Trong xây dựng thương hiệu quốc gia, con người là yếu tố nổi bật. Nhân tố dấu ấn tạo sức hút chính là con người VN với những hạn chế nhất định nhưng đồng thời có yếu tố, phẩm chất đặc sắc; với khả năng tích hợp diệu kỳ vừa không lãng quên quá khứ, sự lạc quan hiện tại và luôn hướng tới tương lai với sức sống mãnh liệt và rộng lòng đón nhận.
“Thương hiệu quốc gia VN là sản phẩm, tài sản của mọi chủ thể VN, mọi tổ chức nhóm cá nhân người Việt hay gốc Việt trong và ngoài nước. Không chỉ là người có tầm ảnh hưởng mà mọi người dân đều có trách nhiệm chia sẻ những giá trị về con người, dân tộc VN, góp phần vào tổng thể chung.
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Tiến Hưng |
Cần có ý thức chăm sóc, xây dựng thương hiệu quốc như một bản giao hưởng chung sống động của cả đất nước, những con người VN ở trong và ngoài nước. Bản giao hưởng cần có sự điều phối chiến lược của Nhà nước”, bà nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài Nguyễn Hoành Năm. Ảnh: Tiến Hưng |
Bà kết luận, lớn hay nhỏ không đơn thuần là con số. Đó là sự thay đổi như thế nào từ nhỏ thành lớn, khi thế và lực VN thay đổi, là sự đánh giá của thế giới như thế nào về VN hiện nay. Điển hình như Singapore, tiếng nói, ảnh hưởng vai trò của Singapore lớn hơn nhiều kích cỡ dân số hay diện tích địa lý.
Cũ hay mới là chiều kích của lịch sử trong hiện tại và tương lai, quy tụ từ di sản đến khát vọng. Quyền lực mềm của VN là thế nào sẽ là suy nghĩ và trách nhiệm của mọi người Việt trong nước và trên thế giới.
Thái An - Hiền Anh từ Paris
11 hạt gạo và gia tài chục ngàn tỷ của 'con' Báo đồng bằng
Đi nước ngoài được tặng 11 hạt gạo, ông Trần Mạnh Báo đã lai tạo ra những giống lúa chất lượng cao, giúp bà con nông dân thu lợi hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.